Thích Viên Giáo: Vài góp ý về việc trang nghiêm Tăng đoàn

Những năm gần đây, do sự lủng củng trong nội bộ Phật giáo cũng như sự cố tình quấy phá của ngoại đạo, ác đảng, người Phật tử Việt tại hải ngoại, đặc biệt là chư vị tăng ni, thường nêu vấn đề củng cố nội lực giáo hội, trang nghiêm bản thể tăng già.

Ý nguyện này thật cao cả, cấp thiết. Nhưng cũng đã nhiều năm trôi qua rồi, ý nguyện vẫn là ý nguyện, chưa bước được vào hành động cụ thể; dù nói một cách lạc quan đi nữa thì cũng chỉ là những bước khập khiểng, lừng khừng, chưa quyết liệt.

Hành động cụ thể thế nào để làm trang nghiêm Tăng đoàn? – Nhiều lắm. Không phải chỉ một vài hành hoạt, không phải chỉ vài tháng, vài năm; nên dù Tăng Ni chúng ta tổ chức bao nhiêu đại hội, bao nhiêu cuộc hội luận, cũng không thể nói hết. Nhưng một vài điều căn bản mà ai cũng biết, và chúng ta cũng đã có nhiều lần đề nghị trước đây, thì có thể vắn tắt như sau:

1. Bố tát – Thuyết giới:

Theo luật tạng, các tỳ-kheo cần có ngày bố-tát (posadha) định kỳ nửa tháng một lần với cộng đồng Tăng. Truyền thống này được thiết lập từ khi đức Phật còn tại thế. Tăng đoàn và cá nhân tăng sĩ không thể bỏ sót trong sinh hoạt chung.

Những năm cuối thập niên 1970, tăng sĩ Việt Nam ở ngoài nước không nhiều, lại sống rải rác, việc bố-tát thuyết giới không thể thực hiện. Nay tăng sĩ khá đông đảo, chùa chiền dựng nên khắp nơi; riêng tại Hoa Kỳ, tại tiểu bang California, có nhiều thành phố tập trung đến vài chục ngôi chùa và hàng trăm Tăng Ni, thì việc bố-tát thuyết giới chung của cộng đồng Tăng không có lý do gì mà bỏ qua.

Trong khi cộng đồng Tăng Ni ở Bắc California tổ chức bố-tát thuyết giới mỗi tháng một lần, đều đặn từ nhiều năm qua thì cộng đồng Tăng Ni ở Nam California, vào những năm giữa thập niên 1990 cũng có tổ chức, nhưng sau đó, lại vì lý do này, lý do khác, đã ngưng. Đến cuối năm 2008, Tăng Ni ở quận San Diego, California, đã nỗ lực gây dựng lại việc bố-tát thuyết giới, với tinh thần hòa hợp, rất đáng trân trọng, nhưng rồi cuối cùng cũng bỏ ngang.

Bố-tát thuyết giới là phận sự quan trọng của tỳ-kheo, không phải chỉ nhằm ôn lại giới pháp mình thọ trì, kiểm điểm và sám hối những lỗi lầm đã phạm, mà còn là phương thức để cộng đồng Tăng-già biểu hiện tinh thần hòa hợp thanh tịnh, chung sức duy trì thọ mạng của Phật Pháp; bởi vì “giới luật là thọ mạng của Phật Pháp.” Về mặt tương giao, ngày bố-tát thuyết giới cũng là dịp để những cá nhân Tăng Ni được gặp gỡ, giữ thân tình, trao đổi Phật sự, khuyến tấn và cảm thông nhau. Ngoài ra, đây còn là cơ hội để các tân tỳ kheo, các sa-di, cho đến các cư sĩ tại gia được thân cận, tiếp xúc, học hỏi bằng ngôn thuyết hay bằng thân giáo từ các bậc đạo cao đức trọng và những vị đi trước.

Để trang nghiêm Tăng đoàn, củng cố nội lực của cộng đồng Phật giáo vốn bị phân rã, suy đồi trong nhiều năm qua, việc tái lập và duy trì truyền thống bố-tát thuyết giới định kỳ phải là ưu tiên hàng đầu, kính mong chư tôn đức Tăng Ni trưởng thượng nêu gương và thúc đẩy hàng hậu học mau chóng thực hiện sớm chừng nào hay chừng đó.

2. An cư – Tự tứ:

An cư ba tháng (hạ hay đông) mỗi năm là điều qui định phải có của hàng tỳ-kheo, tỳ-kheo ni. Sau ba tháng an cư, có ngày Tự tứ, trước ngày Tự tứ, cần sám hối.

An cư để có thời gian cấm túc, giảm bớt ngoại duyên, tự nguyện gia nhập và sinh hoạt cùng cộng đồng Tăng lữ để trước nhất biểu hiện tinh thần sẵn sàng hòa hợp thanh tịnh cùng các tỳ kheo/tỳ kheo ni từ các trụ xứ và tự viện khác; thứ nữa, nhưng rất quan trọng, là quyết tâm dành thời gian nghiêm cẩn hành trì giới luật, tu tập thiền định, sách tấn, truyền dạy hoặc học hỏi nhau để có được sự tiến triển tốt đẹp trong hành trình tu chứng.

Tự tứ là ngày công khai thỉnh cầu các tỳ kheo/tỳ kheo ni khác vạch ra những tội lỗi hay khuyết điểm mình đã sai phạm để sám hối cho thanh tịnh. Tự tứ chỉ xảy ra một lần duy nhất trong năm, sau ba tháng an cư, và trong ngày Tự tứ, không có tụng/thuyết giới như ngày Bố-tát.

Theo ý nghĩa từ luật tạng ở trên, an cư 10 ngày, 12 ngày, 15 ngày, cho đến một tháng đều không đúng truyền thống. Tôi từng nghe một bậc tăng trưởng có thẩm quyền về giới luật ở trong nước, phát biểu rằng “An cư ba tháng là ba tháng, không có an cư một tháng hay mười ngày!” Nhưng phải sống ở ngoài nước mới cảm thông được tại sao không thể áp dụng an cư ba tháng như luật định. Nhiều năm qua, Tăng Ni hải ngoại đã cố gắng rất nhiều để tổ chức an cư, ngắn nhất là mười ngày, dài nhất là một tháng, không thể nhiều hơn được. Ngắn quá thì trong lòng cảm thấy lợn cợn, không thông suốt; nhưng cũng có cái hay là vì ngắn nên sức tập trung, nỗ lực hành trì rất cao. Lâu dần, tâm lý lợn cợn bị xóa nhòa, và từ đó, an cư mười ngày cũng là an cư, khi giải hạ Tự tứ thì lòng cũng hoan hỷ như an cư ba tháng. Tuy vậy, chúng ta cũng nên vận động tổ chức một đại hội Tăng Ni Việt Nam hải ngoại để tác pháp yết ma, chế định lại một số truyền thống, qui tắc (không phải giới bổn) như an cư, bố-tát, để áp dụng hợp pháp, hợp luật, cho sinh hoạt Tăng đoàn ở ngoài nước. Được như vậy, tâm lý của Tăng Ni sẽ ổn định, và an cư bao nhiêu ngày cũng là an cư, bố-tát một tháng một lần hay ba tháng một lần cũng là bố-tát.

3. Các góp ý để điều chỉnh một số sơ sót và khuyết điểm:

Với một số ý kiến lắng nghe từ các Tăng Ni, pháp lữ, xin được đề nghị như sau:

– Trong các khóa an cư ngắn hạn, nên tổ chức một ngày (hoặc vài giờ đồng hồ) cho việc bố-tát tụng giới. Điều này rất nên, vì một năm chỉ có một lần an cư mà lại ngắn hạn, các sa di và tân tỳ kheo/tỳ kheo ni, không có cơ hội học giới và học các oai nghi tế hạnh cần thiết. Quanh năm suốt tháng không thấy ở đâu tổ chức bố-tát tụng giới, vậy tại sao không tổ chức bố-tát tụng giới trong mỗi khóa an cư, dù không đúng ngày rằm hay ba mươi âm lịch? Chương trình giảng dạy trong các khóa an cư cũng nên lưu tâm việc giảng dạy giới luật và hướng dẫn các qui tắc sinh hoạt trong tự viện hay Tăng đoàn, nhất là đối với những vị tân xuất gia sau này.

– Sau các khóa tu học Phật Pháp dành cho cư sĩ, cũng như các khóa an cư dành cho Tăng Ni, thường có tổ chức các buổi văn nghệ vào đêm cuối cùng trước khi hoàn mãn. Các buổi văn nghệ này chỉ có một vài tiết mục tạm cho là hay, còn đa phần thì rất kém về nội dung lẫn hình thức. Có những bài ca mượn nhạc của người để đưa lời của mình vào, vừa vi phạm tác quyền vừa gượng gạo, cứng ngắt. Có những màn hài kịch thô kệch, nhớp nhúa, không mang ý đạo, cũng chẳng chuyên chở ý nghĩa tốt đẹp nào của nghệ thuật thế gian. Văn nghệ như thế phá hỏng cả tinh thần tu học trang nghiêm, thanh tịnh của khóa tu hoặc khóa an cư, dù rằng được tổ chức vào ngày cuối cùng. Đề nghị không tổ chức văn nghệ có tính cách đại chúng nữa mà thay vào đó là đêm thiền trà nhẹ nhàng, đạo vị, để thưởng thức các thi kệ, các bài thơ hay, những câu chuyện đạo, hoặc những bản nhạc thâm trầm và sâu lắng thiền ý, để người tham dự có thể mang theo dư hưởng thanh thoát, an lạc của khóa tu trở về với trú xứ của riêng mình. Còn nếu như cần phải tổ chức văn nghệ để đáp ứng nhu cầu thư giãn của Phật tử, nên có những vị có thẩm quyền về văn hóa, về Phật Pháp, và về âm nhạc, duyệt xét nội dung trước khi tập dượt và trình diễn.

– Xin nghiêm cẩn trao truyền giới pháp. Giới luật không thể khinh truyền, nhất là đại giới. Một vài vị tăng trưởng, hoặc theo quan điểm riêng của hệ phái mình, hoặc cho rằng nên “tùy duyên” tạo cơ hội cho người được khoác mặc tăng y, đã không cẩn trọng trong việc nhận người xuất gia cũng như trao truyền giới pháp. Kết quả là có rất nhiều Tăng Ni bán thế xuất gia, hoặc “mãn thế” xuất gia, mà những vị này không có trình độ Phật Pháp, cũng không hiểu biết gì về giới pháp mà họ thọ nhận; có người xuất gia mới có hai tuần, đã thọ đại giới (mà không thuộc giới, chưa được nghe giới); có vị đã trở thành tỳ kheo/tỳ kheo ni mà thời gian ở chùa còn ít hơn thời gian sống với gia đình con/cháu vì gia duyên vẫn còn đa đoan chưa cắt đứt được; có “bà cụ” tỳ kheo ni nọ, tuổi gần 80, không biết cách đắp y, loay hoay mãi trễ giờ hành lễ mà vẫn không xong; có vị đã xuất gia, hoàn tục từ lâu, nay một sớm một chiều tự động xuất gia, cạo tóc, khoác y tỳ kheo 25 điều, tự xưng thượng tọa, nghênh ngang dành chỗ đứng chỗ ngồi trước và trên các vị Tăng trẻ tuổi nhưng có hạ lạp cao hơn mình; có nhiều vị đã là tỳ kheo/tỳ kheo ni từ lâu mà không phân biệt được thế nào là y ngũ, y thất, y cửu… chứ đừng nói là hiểu biết hay thực hành kinh, luật, luận…

– Giới phẩm cũng không thể coi thường. Giới phẩm Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Ni trưởng, Ni sư, Sư cô… không phải là chức vị của quân đội hay các tổ chức khác được xét theo “thâm niên công vụ”, cũng không phải vì thấy già trên 60 tuổi mà suy tôn Hòa thượng, vì trên 40 tuổi mà tấn phong Thượng tọa. Giới phẩm của Phật giáo Việt Nam dựa trên đức hạnh, và chiếu theo hạ lạp kể từ khi thọ đại giới. Một người bán thế mới xuất gia, mới thọ đại giới vài năm, không nên vội vàng tấn phong. Các tân tỳ kheo/tỳ kheo ni phải biết tự lượng phẩm hạnh, hạ lạp và trình độ Phật Pháp của mình, không nên vì bổn sư hay tổ chức giáo hội nào đó tấn phong mà mừng vui nhận liền; phải biết khiêm cung từ chối. Các vị trưởng thượng cũng không nên quá dễ dãi lập danh sách tấn phong người này người kia mà không tìm hiểu giới đức, hành trạng tu tập, thời gian xuất gia, và thời gian thọ giới của họ.

Ở trên là vài góp ý thu thập được từ nhiều Tăng Ni và cư sĩ quan tâm đến uy đức và phẩm giá của Tăng già. Thiết nghĩ, đây là những điều cụ thể có thể thực hiện và điều chỉnh được; nếu không, Phật giáo hải ngoại càng lúc càng lún sâu vào tình trạng mà Tổ Qui Sơn trong Văn Cảnh Sách gọi là “bà-la-môn tụ hội vô thù.”

Giữa bối cảnh đổ nát, suy vi, phân tán, mất hướng và mất niềm tin trong Phật giáo hải ngoại ngày nay, muốn có một Tăng đoàn thanh tịnh, hòa hợp, không phải điều dễ. Chúng ta đã phung phí quá nhiều thời gian cho sự hướng ngoại, và tâm lý xem nhẹ giới luật, coi thường các truyền thống sinh hoạt của thiền môn; nay muốn củng cố gầy dựng lại, cũng phải cần thời gian khá dài; nhưng quan trọng là mỗi cá nhân Tăng sĩ phải có ý thức và tâm nguyện tha thiết đối với sự hưng thịnh của Phật Pháp.

Trang nghiêm Tăng đoàn phải bắt đầu bằng những qui tắc, những truyền thống cao đẹp mà lịch đại tổ sư và các tập thể Tăng già các nước, hơn hai ngàn năm trăm năm đã đi qua. Bố-tát thuyết giới, An cư Tự tứ, tác pháp yết-ma, học tập và hành trì giới luật… những điều này đều rất cụ thể và gần gũi trong sinh hoạt của tất cả Tăng Ni chúng ta, không lẽ bây giờ lại trở nên những điều xa vời không thể thực hiện?

Xin thành kính đảnh lễ chư hiện tiền Tăng Ni, cúi mong được chỉ giáo, trao đổi; và xin nhất tâm sám hối nếu những điều trình bày trên có phật ý tôn đức nào.

California, June 30, 2010
Thích Viên Giáo

Hiển thị thêm
Back to top button