Tịnh Minh soạn dịch: Từng giọt nắng hồng
Pháp thoại Pháp Cú
LỜI GIỚI THIỆU
Kinh Pháp Cú vốn thuộc về loại kinh “Vô vấn tự thuyết”, như kinh Di Đà v.v… trong 12 phần giáo của Đức Phật. Kinh Pháp Cú là một quyển kinh được dịch thành nhiều thứ tiếng nhất, in nhiều lần nhất, cũng như nhiều người dịch nhất. Kinh Pháp cú mang nhiều tên như: Pháp Cú Kinh, Pháp Cú Tập Kinh, Pháp Cú Lục, Đàm Bát Kinh, Đàm Bát Kệ… Trong Đại Chánh tập 4, kinh này cũng có nhiều tên, như: Pháp Cú Thí Dụ Kinh, Pháp Cú Bổn Mạt Kinh, Pháp Cú Dụ Kinh, Pháp Dụ Kinh, Pháp Cú Thí Kinh v.v… Kinh Pháp Cú nguyên bổn có cả 1.000 kệ (cú), theo thời gian thanh lọc lần lần còn 900 – 800 – 700 kệ… hiện nay là 423 kệ, được lưu hành phổ thông.
Năm 1973, trường Chuyên khoa Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang, thầy Tuệ Sỹ đã dịch 20 cú đầu (Song Yếu) – cả mẩu truyện và kệ – để dạy cho Tăng Ni sinh Chuyên khoa Phật học. Theo nguyên văn của bản dịch này thì mẩu truyện duyên khởi dành cho mỗi cú diễn tả dài quá. Sau đó, tôi đọc bản dịch của ông Phạm Kim Khánh dịch từ nguyên bản của ngài Nàrada thì thấy ngắn gọn quá, có truyện khó hiểu.
Độ mươi năm gần đây, tôi thấy thầy Tịnh Minh (Đặng Ngọc Chức) – đệ tử Cố Hòa thượng Viên Giác, cựu Học tăng Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang, nguyên Giảng viên Phật khoa Viện Đại Học Vạn Hạnh, và hiện là Giảng viên Anh văn của trường Cao Cấp Phật Học Vạn Hạnh, thành phố Hồ Chí Minh… có dịch các mẩu truyện duyên khởi của Kinh Pháp Cú đăng trên báo Giác Ngộ. Vốn dĩ, tôi thích và “ghiền” Pháp Cú nên tôi gợi ý Tịnh Minh sau khi đăng báo rồi, tập trung lại đưa tôi in thành sách để phổ biến.
Nay, Tịnh Minh soạn dịch được phần đầu của Kinh Pháp Cú, gồm 59 mẩu truyện, không dài dòng lắm, cũng không thu gọn quá, trao cho tôi xem, mang tên TỪNG GIỌT NẮNG HỒNG, tôi hoan hỷ viết lời giới thiệu và xếp vào tập 121-A của Pháp Tạng Phật Giáo Việt Nam (Phần còn lại của Kinh sẽ được tiếp tục in và xếp vào các tập 121-B, 121-C). Đồng thời tôi cũng dùng tập sách này để kỷ niệm Đệ nhị chu niên ngày thành lập Ban phiên dịch Pháp tạng Phật giáo Việt Nam (19.2 Nhâm Ngọ – 19.2 Giáp Thân, vía đức Bồ-tát Quán Thế Âm).
Tôi mong quý Tăng Ni Phật tử dành thì giờ đọc truyện Kinh Pháp Cú này để cùng nhau hưởng pháp lạc từ những lời vàng ngọc do lòng từ bi mà đức Thích Ca Bổn Sư của chúng ta đã ban bố trong từng vấn đề.
THÍCH ĐỖNG MINH
Kính cẩn cúng dường
ĐÔI LỜI SOẠN DỊCH
1. Duyên khởi:
Sau khi ấn phẩm “Thi Hóa Pháp Cú Kinh” được chuyển thể từ bản tản văn tiếng Anh (Dhammapada) của ngài Nārada, xuất bản tại Colombo năm 1962, sang vận văn tiếng Việt, và được phép lưu hành nội bộ tại trường Cơ Bản Phật Học thành phố Hồ Chí Minh năm 1990, thì được Hòa thượng Thích Đức Chơn, trụ trì tu viện Quảng Hương Già Lam, quận Gò Vấp, người rất yêu văn phong thiền vị, cảm mến và mời một số văn nghệ sĩ nổi tiếng ở thành phố Hồ Chí Minh ngâm vào băng cassette. Đến năm 1995, ấn phẩm được tái bản với tựa đề: “Thi Kệ Pháp Cú Kinh”, mục đích là để tránh sự hiểu nhầm từ “Thi Hóa” và để đảm bảo tính nghiêm túc của bản dịch.
Rồi một hôm, tình cờ gặp được bộ sách “The Harvard Oriental Series”, gồm 3 cuốn, do Charles Rockwell Lanman làm chủ biên với sự hợp tác của nhiều học giả nổi tiếng khác, cùng với Hội Pali Text tái bản bộ “Buddhist Legends”, do Eugene Watson Burlingame dịch và chú giải kinh Pháp Cú từ nguyên bản Pali ra Anh ngữ tại Anh quốc năm 1990, dưới sự cho phép của nhà xuất bản Đại Học Harvard. Từ đó, duyên khởi của mỗi kệ Pháp Cú được lần lượt xuất hiện trên tuần báo Giác Ngộ. Lúc đầu chỉ chọn tựa TỊNH MINH đề “Pháp Thoại Pháp Cú” chung cho các truyện, nhưng rồi nhân dịp hàn huyên tại tòa báo, Thượng tọa Giác Toàn gợi ý: “Thầy nên đặt một tựa đề tế nhị, hấp dẫn, phù hợp với tình tiết cốt truyện thì hay hơn”. Nhất là khi gặp Hòa thượng Thích Đỗng Minh tại chùa Già Lam, Ôn đưa tay ra dạng xá xá, nói: “TM. ơi, ông biết tôi mê Pháp Cú rồi đó; ráng hoàn tất phần duyên khởi cho tôi đọc, chứ bản dịch của ông Phạm Kim Khánh sao tôi thấy chưa được đầy đủ!…” Trời ơi, các bậc đạo sư tôn đức thường khích lệ môn đồ hậu bối bằng những ngôn từ, cử chỉ thâm diệu mà sấm sét như thế. Tôi chắp tay xá Ôn, ngầm lãnh trách nhiệm, nhưng trong lòng thấy lo ngại vì sợ rằng không đáp ứng được hoài vọng của Ôn. Từ đó, tôi càng quý trọng thời gian và siêng giữ hai thời công phu hơn. Ví dụ sáng nào đi làm sớm thì tôi phải tụng kinh bù trên đường đến trường, coi như mình đã hoàn thành nhiệm vụ buổi mai. Mục đích là để nạp thêm năng lượng, nhớ tưởng công trình. Thế rồi nay một ít, mai một ít, dần dần rồi cũng đạt được đôi chút công phu. Đúng là đã đi thì sẽ đến, dừng lại tức thụt lùi. Xin được chia sẻ chút thiện duyên hỷ lạc với những ai đã và đang âm thầm làm công tác văn hóa văn nghệ cho Phật giáo và dân tộc.
2. Xung động:
Đứng về phương diện dịch thuật (translation) mà nói thì có nhiều cách: dịch nguyên văn (technical), dịch văn chương (literary), dịch truyền đạt (communicative), dịch ngữ nghĩa (semantic), dịch sát nghĩa (literal) v.v…, nhưng dịch cách nào thì cũng phải tôn trọng ba nguyên tắc cốt lõi: trung thực với nguyên bản, diễn đạt hài hòa, và văn phong tao nhã. Ở đây, khi động đến truyện tích về duyên khởi Pháp Cú, tôi phải ứng dụng phương pháp soạn dịch, chứ không thể nào dịch nguyên văn hay sát nghĩa được, vì có truyện nội dung đơn giản, ngắn gọn; có truyện tình tiết quá dài, bao hàm nhiều truyện tiền thân liên kết với nhau, nhất là ngôn từ xa xưa, văn phong cổ kính, khó mà tách bạch rạch ròi, quán triệt cốt truyện. Người dịch xin gồng mình tinh luyện, biến chế, xông ướp, gia giảm sao cho tình tiết cốt truyện thêm phần mạch lạc và sinh động, độc giả dễ dàng tiếp nhận sự kiện và biện luận trong lòng.
Điều thú vị nhất mà người soạn dịch có được mỗi khi chạm đến từng trang duyên khởi Pháp Cú là cách vận hành lý trí, hoạt dụng ngôn từ, thể nhập tâm tư, nhào lộn biến hóa theo từng nhân vật cốt truyện: khi thì thấy tự thân hiển hiện như Phật Tổ Thánh Tăng, lúc thì đột nhiên hóa kiếp thành lục lâm yêu quái; khi thì nuôi dưỡng hành vi hiền thiện, lúc thì vung vít ngôn hạnh hoang sơ; khi thì chân tình ân nghĩa, lúc thì hỗn láo bạo tàn v.v… Chao ôi… tất cả, tất cả đều lờ mờ ẩn khuất hay phơi phới tưng bừng qua từng sát na mầu nhiệm như vài ba cảm nghiệm sau đây:
2.1 Thăng hoa:
“… Này các thầy Tỳ-kheo, để tiến đến Thánh đạo hay chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, bước đầu hành giả phải tu tập thân khẩu ý theo bảy điều cơ bản như sau:
- Chánh niệm: suy nghĩ và ghi nhớ chánh pháp, loại bỏ tạp niệm vọng tưởng, một đường thẳng đến mục tiêu tối thượng.
- Trạch pháp: xem xét, khảo sát, tuyển chọn cho mình những đối tượng tư duy chân thật, lành mạnh; nhất là chọn đúng pháp môn tu tập, phù hợp với căn cơ và thể trạng tâm sinh lý của chính mình.
- Tinh tấn: xác định hướng đi đích thực rồi thì phải nỗ lực phấn đấu, phát huy thiện căn, hàng phục tập khí, dõng mãnh tiến bước trên lộ trình giải thoát.
- Hỷ lạc: vui vẻ phấn chấn, hòa hợp lạc quan; nghe dông tố như gió lộng đồi non, thấy tuyết sương như nắng hồng sưởi ấm; nhất là xem ốm đau nghịch cảnh như quân bình thể lý tâm tư, gặp hủy báng khinh khi như xoa bóp thần dược tiêu trừ kiêu căng ngạo mạn.
- Khinh an: nhẹ nhàng thanh thản, tự tại thong dong; ăn rau rừng như nhai cam thảo, uống nước suối như nuốt đề hồ; nghe chim ca như nhạc trời vang vọng, ngắm hoa nở như cánh Mạn-đà-la; phiền não tiêu tan, kiến chấp khô kiệt.
- Thiền định: tâm tư tịch tịnh, vắng lặng, đứng yên; vọng tưởng hết duyên dấy khởi, thân tâm rũ sạch hồng trần.
- Hành xả: buông bỏ, xả ly; dứt bặt kiến chấp, ngã pháp tiêu vong, tâm cảnh dung thông, tuệ giác hiển lộ.”
2.2 Ngậm ngùi:
“… Kính bạch Pháp sư, hôm nay chúng con có chút duyên lành, được gặp Pháp sư, xin Pháp sư từ bi chỉ dạy cho chúng con một số vướng mắc về Phật pháp.
– Nghi gì cứ hỏi. Biết đâu nói đó. Miễn khách sáo!
– Dạ… thưa Pháp sư, lâu nay chúng con học tập kinh văn nhưng chưa hiểu rõ thế nào là “ngũ uẩn giai không và tứ đại phù trì”.
– Có thế mà cũng hỏi! Ngũ uẩn giai không là năm uẩn đều không. Tứ đại phù trì là bốn đại giữ giúp.
– Sao đơn giản thế, thưa Pháp sư! Theo giáo lý chúng con học thì ngũ uẩn là: sắc, thọ, tưởng, hành, thức; tức là hình sắc, cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức. Năm yếu tố này hoàn toàn lệ thuộc vào các điều kiện thời gian và không gian, chúng không có thật tánh, không hiện hữu độc lập, nên gọi là không. Còn tứ đại là: đất, nước, gió, lửa; tức là bốn nguyên tố: rắn, lỏng, khí và nhiệt vận hành trong mỗi cá thể chúng sanh. Ngũ uẩn và tứ đại hỗ tương duyên hợp với lục căn lục trần mà hoạt dụng tương tục theo dạng giả danh, nên gọi là không.
– Thiện tai! Thiện tai! Cái uyên áo và diệu dụng của Pháp sư là ở chỗ đó. Khơi gợi. Khơi gợi cho ý thức tham vấn bùng vỡ đúng lúc. U-đa-di gõ gõ ngón tay trỏ xuống thành pháp tòa nói.
– Thưa Pháp sư, chúng con còn một mối nghi nữa!
– Tự nhiên!
– Thế nào là quán “tứ niệm xứ”?
– Cha… thấy các sư thông thái quá mà còn hỏi chi nữa hè !
– Chúng con muốn lĩnh thọ thâm ý kiến giải của Pháp sư.
– Vậy là các ngươi muốn đố ta! Muốn chơi ta hả?
– Dạ không dám! Chúng con thật sự muốn cầu học, xin Pháp sư hoan hỷ!
– Ừ!… Thế thì được. Nhưng trước hết ta muốn thấy sự hiểu biết của quý vị. Hãy trình bày ta xem.
– Thưa Pháp sư, theo chúng con biết thì quán “tứ niệm xứ” là quán niệm, suy xét về bốn lĩnh vực hay đối tượng cơ bản, tiên quyết cho cuộc hành trình của người xuất gia, tu hạnh giải thoát. Đó là: 1. Quán thân bất tịnh: quán sát sâu sắc để thấy rõ căn thân là một tổ hợp không trong sạch, nói cách khác là bẩn thỉu. 2. Quán thọ thị khổ: chiêm nghiệm tận cùng để thấy mọi cảm thọ vui buồn đều khổ; nói chung, nhận lãnh sắc thân và nhu cầu sinh hoạt là đương đầu với vô vàn khổ lụy. 3. Quán tâm vô thường: soi rọi tinh tế để thấy tâm tư máy động, luồn lách vô thường. 4. Quán pháp vô ngã: rà xét toàn triệt để thấy các pháp hữu vi vô vi, tức là đối tượng của nhận thức, đều do duyên sanh, không có tự tánh, hoàn toàn vô ngã. Quán niệm và ngộ đạt “tứ niệm xứ” sẽ giúp hành giả vững bước trên lộ trình thẳng đến mục tiêu thánh đạo.
– Hay!… Cái bí quyết ưu việt của Pháp sư là thế đó. Khơi gợi. Khơi gợi cho tinh hoa phát tiết, nghi vấn tự tiêu.”
2.3 Gian trá:
“… Tan lễ, trên đường về nhà, Mật Thủ cười nói huyên thuyên, ra vẻ rất tâm đắc về những lời thuyết giảng của Đức Phật. Đoạn gã quay sang Chí Thiện, hỏi:
– Này, cậu đã nấu cơm ở nhà chưa?
– Chưa! Tay làm hàm nhai ấy mà. Định trên đường về, mua ít gạo nấu cho tiện.
– Thấy cậu giờ này mà còn lận đận, thiếu trước hụt sau. Độc thân là hẩm hiu thế đó! Lấy vợ đi. Kiếm cô nào phốp pháp, lanh lợi, xông xáo một chút. Như vợ tớ đấy… vừa về tới ngõ là đã nghe tiếng cười nói rổn rảng từ trong nhà vọng ra. Mình luồn lách cực khổ cỡ nào cũng thấy mát ruột khi có được một nội tướng đồng thanh đồng thủ như thế. Nghe lời tớ đi! Đừng chần chừ nữa! Hay… để tớ làm mai cho một tiểu thư… đúng mốt!
– Xin cảm ơn! Nghe Thế Tôn thuyết pháp riết rồi mình muốn đi tu quá.
– Ngu!… Mật Thủ quắc mắt nói như một nhát búa phập vào khúc gỗ mục. Cậu tưởng đi tu sướng lắm hả! Sống lệ thuộc vào lòng hảo tâm của bá tánh lương dân mà hãnh diện! Mọi người như tớ thì thầy trò ông Cồ Đàm có nước treo y máng bát chứ ở đó mà dài lưỡi “luân hồi sanh tử, vô ngã giả danh”. Đã vô ngã giả danh thì nhận lễ vật cúng dường làm gì? Chẳng lẽ để ra sức nuôi dưỡng cái thân tướng vô ngã giả danh ấy! Thấy chưa? Toàn là mâu thuẫn và phi lý. Này… mà “lý sự vô ngại, sự sự vô ngại” là gì cậu? Tớ nghe ổng nói hồi sáng mà như vịt nghe sấm, chả hiểu gì cả.
– Đầu óc anh đâu có tập trung vào chuyện lễ nghi giáo điển mà hiểu. Thế anh có bao giờ nghe nói đến câu tục ngữ: “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” chưa?
– Có!… Trâu theo trâu, ngựa theo ngựa. Đúng quá!
– Đó đó!… Na ná như vậy đó. Mèo hoang thì gặp chó hoang, chàng đi móc túi gặp nàng chỉa chôm.
– Cậu nói ai móc túi? Đừng vu khống nhé! Cậu là cái thá gì mà dám mỉa mai vợ chồng tớ là phường đầu trộm đuôi cướp, trâu ngựa chó mèo. Hãy giữ miệng giữ mồm đấy! Mật Thủ nói với vẻ mặt choắt lại và đôi môi run run mím mím như điện giật.”
2.4 Ti tiện:
“… Thọ trai xong, với âm thanh ngọt ngào êm dịu, Thế Tôn cất lời hồi hướng công đức:
Cung nguyện thập phương tam thế Phật
Hộ trì gia đạo vĩnh an khương
Viễn ly ác kiến tam đồ khổ
Bát nhã hoa khai tuyệt đoạn thường.
Thế Tôn vừa dứt lời thì tín nữ và các Phật tử phụ hầu trai lễ đều đồng thanh niệm danh hiệu Đức Bổn Sư, biểu lộ sự hoan hỷ và hãnh diện được Phật quang lâm, thọ ký.
Từ phòng sau, nghe mọi người đồng niệm hồng danh Bổn Sư, ẩn sĩ lõa thể khởi tâm kiêu mạn, ghen tức trong lòng, bèn xông ra phòng ngoài, lớn tiếng hủy báng:
– Con đĩ già kia, mi đâu còn là tín nữ của ta. Rồi đây mi sẽ tan xương nát thịt vì cái tội tán dương, cung kính lão ăn mày lẻo mép này.”
Còn rất nhiều, rất rất nhiều giây phút hưng phấn hay xót xa, chan hòa hay cô độc. Xin mời quý độc giả thiện chí lên đường, làm cuộc hành hương “Về nguồn” để tận mắt ngắm lại “khuôn viên” nhà mình có nhiều hoa thơm trái ngọt, hay rong rêu nấm mốc giăng mắc khắp nơi.
3. Xúc tác:
Một điều thú vị nữa trong việc sàng lọc chữ nghĩa là được những bậc thiện hữu tri thức, huynh đệ xa gần, hoặc trực tiếp hay gián tiếp, tán dương, khích lệ, và dĩ nhiên là phải phù hợp với nội dung, thực chất. Thỉnh thoảng mới năm, sáu giờ sáng đã có điện thoại reo. Khi thì Thượng tọa Hoằng Đức, trụ trì chùa Pháp Hoa, Bình Thạnh, độc giả ưu ái báo Giác Ngộ, thấy duyên khởi Pháp Cú là vui cười hoan hỷ, ngỏ lời ca ngợi hay góp ý thẳng thừng, nếu có gì thắc mắc. Thượng tọa Đạt Đạo, viện chủ tu viện Bát Nhã, Bình Thạnh, có lần la lên: “Đã quá!… Đã quá!… Sư huynh ơi! Mới lạy thù ân ra đó nghe!” Thậm chí có lúc thầy còn “mail” cho những lời quá ư đậm đặc tương chao: “Hạt ngọc trong văn thơ Phật giáo” khi đọc được mấy câu tôi dịch của Shakespeare:
“What’s in a name? That which we call a rose
By any other name would smell as sweet.”
Sá gì trong một danh xưng
Thế mà thiên hạ kẻ mừng người đau
Hoa hồng dù gọi thế nào
Thì hương vị vẫn ngọt ngào xưa nay.
Có lẽ khí vị Việt ngữ và thần thái của Shakespeare đã phóng trúng tầng số của thầy. Bấy giờ đầu óc tôi trống rỗng nhưng đôi mắt thì dính chặt vào màn hình computer.
Rồi một hôm, mới sáng sớm, Thượng tọa Thiện Bảo, tổng thư ký tạp chí Giác Ngộ, điện thoại với ngữ điệu hiền hòa quen thuộc nhưng không kém phần phấn khích tươi vui: “Hay quá anh TM. ơi, đặc biệt là lối văn biền ngẫu, và nhất là tựa đề anh chọn, có duyên và thâm thúy làm sao!”
Tôi cười sảng khoái, đáp lời cảm ơn, và tự thấy mình phải nỗ lực hơn nữa.
Có lần vừa thấy tôi đến tòa soạn, thầy Trí Chơn vụt đứng dậy, dang tay, nghiêng nghiêng cái đầu, reo lên: “Ồ… chỉ thấy tựa đề của thầy là độc giả bỏ ba ngàn ra mua tờ Giác Ngộ ngay.” Lại một niềm vui ran người chợt đến! Xin cảm ơn lời gợi ý của Thượng tọa Giác Toàn.
Cảm động nhất là Thượng tọa Thích Phước Đường, trụ trì chùa Trúc Lâm Paris, gởi thư tán thán, lời lẽ chơn chất mộc mạc, nhưng nội hàm vời vợi tình thân.
Còn những anh em huynh đệ khác, khi xưa chung sống trên đồi Hải Đức, Nha Trang, hay Quảng Hương Già Lam, Sài Gòn, nay tản mác khắp bốn phương trời, nhưng khi gặp nhau, có người ôm tôi nói: “Mỗi khi đọc bài của anh là em thấy anh từ đầu đến chân.” Tôi được nhiều bất ngờ thú vị quá. Những giây phút như thế thì ngôn ngữ đành bất lực, không sao diễn tả nổi sự cảm thông, quý trọng và rưng rức trong lòng. Vinh quang thay cho những ai nửa đêm vùng dậy, bật đèn, ghi nhanh một tứ thơ chợt lóe trong giấc ngủ, hoặc trên đường, dừng xe lại, mở cặp ghi nhanh một tựa đề bị nghẹn mấy hôm. Xin chân thành cảm ơn từng vòng tay rộng mở, bao ánh mắt nồng nàn của tất cả quý thân bằng thiện hữu, giáo thọ ân sư; những người đã mặc nhiên truyền nhiệt cho công trình này được thành tựu đôi nét.
4. Chí thiết:
Như trên đã nói, đây là công trình soạn dịch, tức có thêm có bớt, có tín có đạt, có nhã có thô; mục đích là khơi bật tinh hoa cốt truyện, tái hiện thế sự nhân tình, giải trình vọng tâm tập khí, biện lý trạch pháp công phu. Mong độc giả nên hội ý ly ngôn, đạt nghĩa vong từ mà thấy được con người trong vô lượng kiếp.
Điểm đáng đề cập nữa là danh vị của tựa đề: Từng Giọt Nắng Hồng. Đây là mỹ ý hoạt hiện với hy vọng mỗi khi đụng đến ấn phẩm này, ai ai cũng được phơi phới trong lòng như đang tắm mình dưới ánh nắng hồng trên đỉnh đồi cao. Rõ là: mỗi truyện duyên khởi, một giọt nắng hồng, sưởi ấm lòng người, tô điểm trần gian.
Cuối cùng, xin chân thành cảm ơn Eugene Watson Burlingame, Charles Rockwell Lanman, và hội Pali Text đã tạo thiện duyên giao tiếp cho văn tự Việt Nam được dịp phô diễn thêm hình tượng, thiết lập thêm thanh sắc, và xông ướp thêm thi vị, thiền vị vào kho tàng văn hóa Phật giáo nước nhà.
Cuối Đông Nhâm Ngọ, 2002
TỊNH MINH