TKN Giác Anh: Kính lễ Ôn Tuệ Sỹ

(bài viết dâng Ôn Tuệ Sỹ
của TKN Giác Anh, Chùa Pháp Bảo, Sydney)

 Kính lễ Ôn Tuệ Sỹ,

Bạch Ôn, con là Tỳ kheo Ni Giác Anh từ thành phố Sydney nam bán cầu. Con đốt đèn, thắp hương cúng Tam Bảo, cầu nguyện Ôn được khoẻ mạnh, để còn đủ thời gian Ôn đọc được hết tập Kỷ Yếu này, do Chư Tôn Đức Tăng Ni và tứ chúng đệ tử gần xa viết tưởng niệm và tri ân công hạnh của Ôn. Công hạnh của Ôn đối với Phật Giáo Việt Nam nói chung và Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất nói riêng lớn quá, đứng trước tình hình sức khoẻ không tốt của Ôn, vị nào cũng lo lắng và cầu nguyện cho Ôn.

Bạch Ôn, con là một trong những đệ tử của HT Bổn Sư chúng con. Sư Phụ chúng con pháp hiệu là HT Thích Bảo Lạc, Phương Trượng Chùa Pháp Bảo, Sydney Úc châu. Bào đệ của Sư Phụ chúng con là HT Thích Như Điển, Phương Trượng Chùa Viên Giác, Hannover Đức quốc. Từ mối thâm duyên ấy nên chúng con vẫn gọi HT Như Điển là Sư Thúc. Cách đây hai hôm Sư Thúc Như Điển chúng con viết email bảo rằng:

Ban Biên Tập của Ban Báo Chí HĐHP muốn làm một Kỷ Yếu tri ân đến HT Tuệ Sỹ, vì sức khoẻ của HT Tuệ Sỹ yếu lắm, chắc không còn bao lâu nữa. Vậy kính nhờ Hoà Thượng, TT Phổ Huân và Sư Cô Giác Anh, nếu được thì mỗi vị viết cho một bài để đăng Kỷ yếu thì rất có ý nghĩa. Thời gian cần trong vòng 1 đến 2 tuần lễ…” Đọc xong email mà tâm bỗng chốc xốn xang, vì biết rằng một ngôi sao sáng của Phật Giáo Việt Nam đang dần di chuyển sang hướng khác. Đứng từ địa cầu này, chúng con sắp không còn thấy ngôi sao đó nữa… Ngôi sao đó sắp đi rồi…

Bạch Ôn, thân phụ chúng con là cư sĩ Quảng Hạo, trước năm 1975, Ông vẫn còn tu, và là một trong những huynh đệ chúng Huệ Năng Phật học viện Huệ Nghiêm thời bấy giờ. Trong thời kỳ khó khăn đó, có khoảng thời gian quý tôn đức học Tăng chúng Huệ Năng ra lập lưu học xá Huyền Trang, đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình Sài Gòn bây giờ. Những vị lập lưu học xá Huyền Trang thời đó có Sư Phụ chúng con, HT Như Tín, thân phụ chúng con cư sĩ Quảng Hạo, vài vị tôn đức nữa và quý Phật tử hỷ cúng.

Mỗi lần nhắc về Ôn thì Ba con thường gục gặc đầu, rồi chắt chắt lưỡi, ra chiều rất ngưỡng phục và nói: “Thầy Tuệ Sỹ là vị Thầy tuyệt vời!” Năm nay con 47 tuổi. Từ hồi con còn nhỏ, tức cũng đã 40 năm về trước rồi, nghe Ba nói Ôn tuyệt vời, thì biết Ôn tuyệt vời, chứ có biết thêm gì đâu. Nhưng chữ “tuyệt vời” gắn liền với Ôn Tuệ Sỹ theo năm tháng chúng con lớn lên, rồi xuất gia, rồi tu học và hành đạo nơi miệt dưới này.

Bạch Ôn, cuộc đời của Ôn, hành trạng của Ôn và di bảo của Ôn để lại cho nền văn hóa Phật Giáo Việt Nam không bút mực nào tả hết được. Nhắc đến Ôn là nhắc đến hàng loạt những danh xưng và tất cả đều xứng danh với danh xưng ấy.

Trong bài viết “Dụ ngôn của Thầy”, Thầy Tâm Nhãn kể lại những câu chuyện dụ ngôn của Ôn, những câu chuyện đó thật thâm thúy, qua đó chúng con được biết, sự nhận xét của một bậc trí về tình hình Phật Giáo Việt Nam hiện nay. Những dụ ngôn đó hay ghê lắm, con xin không copy lại nơi đây, Thầy Tâm Nhãn kể lại tuy ngắn thôi nhưng hay quá, thưa Ôn. Con chỉ chấn động nhất, là lúc mở đề, Thầy Tâm Nhãn viết rằng “kỷ niệm tình thầy trò (với Ôn) thì bàng bạc, điều đáng kể là kho kiến thức của Thầy: Phật điển, vật lý, khoa học, tâm lý học v.v… mà Ôn truyền dạy, nhưng chẳng học trò nào có thể lãnh hội hết”.

Mô Phật, Ôn ơi, sao trên đời lại có một con người mà kiến thức, kiến văn, tầm nhìn… của vị ấy sâu rộng, cao xa đến nỗi mà không một học trò nào theo kịp vậy Ôn. Bây giờ, ngẫm nghĩ lại, nếu không có Ôn Tuệ Sỹ bằng xương bằng thịt thật, thì cứ tưởng trên đời này, làm gì có một con người nào kỳ vỹ như vậy được.

Ôn là một Thiền sư mà trong mắt Triết gia Phạm Công Thiện từng nói rằng “Dù trong cảnh tù ngục đói khổ trăm điều, thiền sư thiên tài Tuệ Sỹ vẫn bất khuất, và hùng khí vẫn ngùn ngụt cao ngất, như đỉnh Trường Sơn, mà nhà thơ Tuệ Sỹ vẫn trọn đời ngưỡng vọng yêu thương trên những con đường oanh liệt, khai mở cho Sử Tính quê hương được vượt thoát ra ngoài chế độ hoang phế tàn tạ…”

Ôn là một thi sĩ đại tài mà những nhà văn nhà thơ như Bùi Giáng, Tâm Nhiên, Vĩnh Hảo, Nguyễn Mộng Giác… đều ca ngợi thơ của Ôn tưởng chừng như khó có một thi sĩ Phật Giáo thứ hai trong thời đại này bắt kịp. Ôn biết không, bài thơ Cúng Dường của Ôn viết trong tù, vừa đăng báo hải ngoại, còn nóng hổi, những văn bút chưa kịp tán thán ca ngợi, thì đã có rất nhiều Tăng Ni nghe qua là chấn động và nhập tâm liền, thưa Ôn. Tuổi trẻ chúng con cạn cợt, đâu có mặn mòi với thơ, vậy mà con cũng thuộc nằm lòng.

Cúng Dường

Phụng thử ngục tù phạn
Cúng dường Tối Thắng Tôn
Thế gian trường huyết hận
Bỉnh bát lệ vô ngôn.

Chú Huỳnh Kim Quang dịch nghĩa:

Dâng chén cơm tù này
Cúng dường lên đức Thế Tôn Tối Thắng
Nghĩ đến thế gian máu lửa hận thù triền miên
Nên vừa bưng chén cơm mà nghẹn ngào đẫm lệ.

Bài thơ chấn động cả tâm can! Ôn ở trong tù, có khác gì tất cả chúng sanh cũng đang đau khổ trong ngục tù sinh tử, thưa Ôn?

Nói về ngôn ngữ, Ôn Tuệ Sỹ là một nhà đại ngôn ngữ. Hán ngữ của Ôn làu thông như tiếng Việt. Phạn ngữ, Pali ngữ, Tây Tạng ngữ, Pháp ngữ, Đức ngữ, Nhật ngữ và tất nhiên phải có Anh ngữ, đối với Ôn, tất cả những ngôn ngữ đó trở thành phương tiện, giúp Ôn dễ dàng dịch Kinh, viết Luận và hoàn tất công trình chuyển ngữ Thanh Văn Tạng từ Hán Ngữ sang Việt ngữ. Công trình này là công trình trên ngàn năm nay, Phật Giáo Việt Nam chúng ta mới có được, bạch Ôn. Công trình này được hoàn tất, đều nhờ vào bi nguyện độ sanh của Ôn.

Ôn là một nghệ sĩ tài hoa, đàn piano, đàn violin, đàn guitar… những nhạc cụ này không phải ai cũng có nhân duyên để nghe, để thưởng thức, huống gì nói đến tự mình chơi. Vậy mà Ôn điêu luyện nhiều nhạc cụ khác nhau.

Nhưng trên hết, điều kỳ diệu về cuộc đời Ôn là sự bi tráng, uy dũng, bất khuất trước ngàn giông tố. Trước biến cố 1975, hoàn cảnh đất nước chiến tranh, các chùa viện Phật Giáo cũng theo vận nước mà thiếu thốn khó khăn, vậy mà Ôn Tuệ Sỹ, bậc Thầy vô sư trí, đã vang danh là một triết gia Phật Giáo lỗi lạc, một Giáo sư Đại học, một thi nhân, một thiền gia… Khó có vị nào hiểu về Thiền nhiều hơn Ôn tại Việt Nam lúc bấy giờ… Sau năm 1975, với hơn 20 năm thời gian, Ôn đi làm rẫy, Ôn bị bắt đưa đi cải tạo và ngồi tù… nhưng những công trình của Ôn để lại, nhiều người khác làm trong nhiều đời cũng chưa chắc đã làm xong. Sự kỳ vỹ và kỳ diệu là ở “thời gian”. Bạch Ôn… thời gian đâu mà Ôn để lại nhiều bảo vật vậy, Ôn ơi.

Chú Nguyên Đạo Văn Công Tuấn viết:

“Trên đời này, nếu chỉ được phép nhắc đến tên một nhà Văn hóa Phật giáo Việt Nam thì tên người ấy chắc chắn phải là Tuệ Sỹ; nếu chỉ được phép viết về một người của thế kỷ này thì nên viết về Tuệ Sỹ; nếu tôi chỉ phải nêu tên một người bằng tất cả niềm cảm phục và kính trọng thì tôi sẽ nêu tên Thầy Tuệ Sỹ”.

Sư Thúc Như Điển chúng con viết về Ôn như vầy “…Còn Thầy Tuệ Sỹ với mình hạc xương mai; nhưng tư tưởng của Thầy thì cao hơn núi Thái và vững hơn bàn thạch, sáng giá hơn kim cương, dầu cho Thầy có sống ở dưới bất cứ hoàn cảnh nào. Những bộ kinh như: Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm, Tăng Nhất A Hàm, Duy Ma Cật Sở Thuyết v.v… là những tài liệu, dịch phẩm có giá trị muôn đời về sau nầy cho Phật giáo cũng như cho Dân Tộc.”

Bạch Ôn, nhiều năm trước Ôn có viết bài tưởng niệm về HT Mật Hiển, có đoạn Ôn viết về “Cổ thụ trong rừng Thiền”. Đoạn đó Ôn viết hay quá Ôn à. Bây giờ nếu có ai viết tưởng niệm Ôn Tuệ Sỹ, thì chắc chắn Ôn cũng chính là một bậc cổ thụ của rừng Thiền Việt Nam thời gian sau Đức Phật 25 thế kỷ này. Và không ai viết về cổ thụ thâm sâu, ý vị hơn Ôn:

“Rừng già, vì trong đó có cổ thụ. Cây cao, bóng cả sừng sững giữa trời. Từ những mầm non mong manh, rồi chen chúc với cỏ dại, lau lách; năm tháng chồng chất bởi nắng, gió, nhiều khi giông bão. Những cây cối thuộc chủng loại thấp hèn bị đào thải dần, những cây đồng loại nhưng non yếu cũng lần hồi bị đào thải. Còn lại một mình trơ vơ, đứng thẳng, vươn ngọn lên cao.

Khu rừng ấy, thoạt đầu tiên chỉ là đám cỏ dại, chỉ đủ chỗ cho rắn rết bò trườn. Rừng không phải càng lúc càng bành trướng rộng theo chiều ngang dọc. Rừng lớn lên theo tầm vóc của các cây rừng cứng cõi chống lại sức tàn phá của khí hậu, của mưa lũ, cho đến con người. Cho đến lúc, từ những phương rất xa mà có thể trông thấy tàn ngọn của một cây cao. Rừng già, nhưng không cằn cỗi, thưa thớt. Cây cao không tiếp sức, cũng không vun bồi, và cũng không cần che chở cho những cây non yếu. Những gì non yếu đã bị gãy đổ, còn lại những gì cứng mạnh, tự mình vươn dậy để trưởng thành những đám cây con dưới bóng cây già. Bấy giờ, rừng không còn là đám cỏ dại, không còn là tập hợp của những cụm cây con, lùm cây thấp. Rừng già, và rồi là rừng thiêng, là một cõi oai hùng cho sư tử, hay hổ báo; đôi khi còn là chỗ cho các thần linh, thiện cũng có mà ác cũng có. Dù thiện hay ác, trong từng thời điểm nhất định, nơi đó là trú xứ của các Tiên nhân, là chốn hành Đạo của những bậc xuất thế, từ chốn thâm u làm ánh sáng soi đường cho sinh loại sinh tồn và tiến hóa, soi vào tận những nơi tối tăm, hiểm ác mà mặt trời rực rỡ kia không thể soi đến. 

Thế nhưng, rừng già, rừng thiêng luôn luôn cũng là hình ảnh đáng kinh sợ cho loài người mà tâm tư vốn thấp kém, bị trùm kín trong ước muốn thấp hèn, bị trói buộc, bưng kín bởi cái thấy, cái nghe thiển cận. Bóng Người thấp thoáng đỉnh cao; nhưng, mây dày phủ kín, biết đâu mà tìm.”

Ôn Tuệ Sỹ là như vậy đó, tâm Ôn cao vút, trí Ôn sáng ngời. Dù mây dày phủ kín, nhưng 80 năm qua Phật Giáo Việt Nam đã quá may mắn vẫn có Ôn. Sau này Ôn đi rồi, biết đâu mà tìm một ngôi sao thứ hai, một cổ thụ thứ hai giống như vậy nữa.

Ôn còn nhớ 9 câu thơ Ôn viết tiễn Ni sư Trí Hải không?

Cánh chim đã vượt qua vũng lầy sinh tử
Bóng nắng rọi lên dòng huyễn hóa
Thân theo tro tàn bay
Hoa trắng vỡ trên đại dương sóng cả
Sao trời chợt tắt giữa lòng tay
Sương còn đọng trên đầu cây lá
Đến rồi đi nước lửng vơi đầy
Heo hút bờ hoang ảnh giả
Người sống mỏi mòn trong nhớ tiếc không khuây.
(Quảng Hương Già Lam Phật lịch 2547 Quý Mùi, tháng 11, 15 – Tuệ Sỹ)

Dạ vâng, thưa Ôn, mai kia Ôn về với chốn cũ của Ôn. Mai kia khi Ôn về với cõi Vô Sanh, thì tất cả chúng con ở lại sẽ nhớ tiếc không khuây. Sẽ nhớ về Ôn với niềm hãnh diện về một nhân vật Phật Giáo Việt Nam thời hiện đại. Chúng con sẽ hãnh diện về Ôn, sẽ thắp hương bạch Phật, thưa với Phật rằng, sau Đức Phật ra đời hơn 25 thế kỷ, có một vị đệ tử Phật, mang hình hài Tăng già Phật Giáo Việt Nam, là viên ngọc báu mang tên Tuệ Sỹ, một bậc kỳ tài siêu suất.

Ôn Tuệ Sỹ cho chúng con niềm tin Bồ Tát Phổ Hiền là có thật. Nhiều hạnh nguyện viên mãn trong một con người là có thật. Bồ tát Phổ Hiền mang tên đại hạnh vì Ngài có 10 đức hạnh vẹn toàn cùng một lúc. Ôn Tuệ Sỹ là ngôi sao sáng, là viên ngọc quý, là đại hùng, đại hạnh, là có thật. Vì trong con người Ôn, có quá nhiều điều tuyệt vời cùng một lúc. Ôn ơi.

Chúng con thành kính đảnh lễ Ôn. Nam mô Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát

Thiền Lâm Pháp Bảo, vùng Wallacia, Sydney.
TKN Giác Anh

Trích: Kỷ yếu tri ân HT Thích Tuệ Sỹ | Hội đồng Hoằng Pháp ấn hành tháng 10/2023

Hiển thị thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button