TN Hạnh Chi: Lá xa mùa
Hình ảnh một Thiền-sư chậm rãi thiền hành trong nắng mai hay an nhiên lặng lẽ tĩnh tọa giữa rừng chiều, là tặng phẩm tuyệt đẹp cho những ai có tâm hồn nhạy cảm, chợt tình cờ nhìn thấy.
Vì hình ảnh đó là tuyệt tác nghệ thuật.
Vì hình ảnh đó long lanh sâu thẳm tâm linh.
Vì hình ảnh đó là hài hòa tuyệt đối giữa mộng và thực, giữa đạo và đời, giữa mong manh và hùng tráng.
Tự thân đã diễm lệ như thế nên không mấy Thiền-sư, từ nhà Như Lai bước vào đời hoằng pháp mà không ghé qua cánh cửa thơ mộng của thi ca.
Ở đó, hạc trắng vỗ cánh bay lên từng không, rơi rụng đôi vọng âm của làn sáo gió, thánh thót của hạt mưa bay, rạt rào của lớp sóng xô bờ.
Ở đó, Thiền-sư quán công án giữa mênh mang trầm bổng thi ca. Một lời thốt lên như hoa nở, tiếng mõ nhịp xuống như sương rơi, giòng chuông ngân dài như hồ biếc. Khi nào thiền là thơ? Khi nào thơ là thiền? Những câu như vầy, từ thi sỹ hay thiền-sư:
Một con én, một đoạn đường lây lất
Một đêm dài nghe thác đổ trên cao
Ta bước vội qua dòng sông biền biệt
Đợi mưa dầm trong cánh bướm xôn xao (*)
Làm sao để tâm thế gian phân luận được, khi thi sỹ đã đạt tới tuyệt đỉnh của thơ, và thiền giả đã đạt tới không-tịch của đạo?
Hãy thử một đêm dài nghe thác đổ trên cao, tìm hào khí ngất trời của người xuống núi với thanh gươm Bát Nhã, rồi đợi mưa dầm trong cánh bướm xôn xao, thắp lên tình tự cực kỳ thơ mộng của thi nhân, may ra chúng ta mới biết cám ơn hoa trái nhiệm mầu.
Đã nếm hương đạo vị diệu kỳ, ta sẽ an nhiên, dù đi giữa vô minh. Này là lời tự tình trong đêm:
Bóng ma gọi tên người mỗi sáng
Từng ngày qua, từng tiếng vu vơ
Mưa xanh lên tóc huyền sương nặng
Trong giấc mơ lá dạt xa bờ (*)
Thật nhẹ tênh! Tiếng ma gọi hay tiếng cai ngục điểm danh chẳng hơn gì tiếng vu vơ trời đất, vì trong mỗi chúng ta đã có sẵn một ngôi nhà Phật tráng lệ, vững vàng. Thế nên, Thiền-sư tĩnh tọa rồi, lại mơ màng thi sỹ:
Người đứng mãi giữa lòng sông nhuộm nắng
Kể chuyện gì nơi ngày cũ xa xưa
Con bướm nhỏ đi về trong cánh mỏng
Nhưng về đâu, một chiếc lá xa mùa (*)!
Trời hỡi! Âm thanh và hình ảnh của “Lá xa mùa” như một công án cho những ai chợt cảm nhận để quán chiếu lý duyên sinh giữa mộng và thực.
Lá Xa Mùa là lá đâm chồi quá sớm hay úa tàn quá trễ?
Quá sớm cũng đã thấy đọt xanh; quá trễ cũng đã thấy nhuốm vàng, nhưng nhìn kỹ thì chẳng phải lá ấy mùa xuân mới xanh, mùa thu mới vàng mà ngay khi lá nhuốm vàng, lá đã đang dành lại nhựa sống cho mầm xanh; và khi lá xanh vươn lên, đem hoa trái cho đời, rồi lại cùng với đất, vun bón cây cao.
Có chiếc lá nào xa mùa đâu ! Xanh hay vàng, lá vẫn ở cùng mùa đấy chứ vì trong sinh diệt đã sẵn mầm bất diệt.
Có phải nơi giòng thơ này, chúng ta đã thấy Thiền-sư và Thi-sỹ là một, nên ngôn ngữ thi ca và nguồn thiền mới hài hòa tuyệt kỷ đến thế!
Người yêu thơ chưa vơi rung cảm, người tọa thiền chưa xả phút tịnh-như, mà gió thơm đã bát ngát không gian, phả xuống tận đáy lòng, giòng tự tại Bát Nhã:
Năm tháng vẫn như nụ cười trong mộng
Người mãi đi như nước chảy xa nguồn
Bến bờ lạ, chút tự tình với bóng
Mây lạc loài ôi tóc cũ ngàn năm.(*)
Thời Phật còn tại thế, một lần, đang tĩnh tọa trong rừng lau, Ngài bỗng nghe những tiếng chân chạy rầm rập, rồi năm, bảy thanh niên xuất hiện. Người đi đầu hỏi Phật:
– Thưa Sa-môn, Ngài ngồi đây lâu chưa? Có thấy một cô gái chạy qua đây không?
Phật hỏi:
– Chuyện gì thế?
Đám thanh niên tranh nhau nói về buổi du ngoạn mà họ tổ chức, có đem theo một vũ nữ để ca múa giúp vui, nhưng khi tiệc tàn, thừa lúc họ mệt mỏi nằm nghỉ dưới gốc cây thì người vũ nữ kia đã lén lấy hết tiền bạc và bỏ trốn.
Nghe câu chuyện, Phật ôn tồn hỏi:
– Thật sự lúc này các em cần tìm người vũ nữ hay cần tìm chính mình?
Đối với đám thanh niên con nhà giàu ấy, có lẽ chưa từng nghe ai hỏi câu hỏi lạ lùng vậy. Nhưng tự thể câu hỏi đầy trí tuệ đã thu hút họ ngồi xuống quanh Phật để rồi được nghe Ngài nói về giá trị của phút giây hiện tại.
Sau đó, một thanh niên đã rút ống sáo mang theo, thổi một bản nhạc để cảm ơn bài pháp bất ngờ. Dứt tiếng, người thanh niên ấy nâng sáo lên, thưa Phật:
– Sa-môn lắng nghe chăm chú lắm, Sa-môn có từng thổi sáo không?
Phật im lặng mỉm cười, nhận ống sáo.
Ngước nhìn vạt nắng lung linh qua khe lá, Ngài thong thả đưa sáo lên môi và bắt đầu thả âm thanh trầm bổng…
Thoạt đầu chỉ là tiếng gió thoảng, rồi thông reo, rồi suối róc rách, rồi âm thanh rời rừng cây, vi vút trên đỉnh non, mênh mang qua đại dương, thong thả vuốt ve vườn thượng uyển thành Kapilavatthu năm nào, nơi công nương Yasodhara sai thị nữ đốt một đỉnh trầm hương thơm ngát và mời Thái Tử Siddhatta ngồi bên nàng, thổi sáo. Hương trầm ngát như thế, kỳ hoa dị thảo rực rỡ như thế, nhưng tiếng sáo đã không dừng lại nơi cung vàng điện ngọc mà nhẹ nhàng bay cao, bay xa với tiếng gọi cực kỳ mầu nhiệm của đại từ, đại bi, đi tìm đạo Giác Ngộ, cứu độ chúng sanh…
Đám thanh niên rúng động khi Đức Phật buông ống sáo xuống.
Họ kinh ngạc nghe Đức Phật nói rằng khi còn là Thái Tử Siddhatta, Ngài đã từng thổi sáo, nhưng hơn bẩy năm khoác áo Sa-môn, ống sáo đã là vật quá khứ!
Họ không thể tin rằng bẩy năm không chạm tới ống sáo mà âm thanh vẫn truyền đạt tới thẳm sâu tâm hồn người nghe như thế!
Sau khi xin thọ giới, theo tăng đoàn tu học một thời gian, họ mới hiểu rằng, ta chỉ đạt tới tuyệt đỉnh nghệ thuật khi tìm thấy chính mình.
Qua lời chia sẻ này, người đọc thơ có thể cảm nhận, là tác giả bài thơ “Mưa Cao Nguyên” đã tìm thấy chính mình.
Cũng không phải chỉ mới hiện đời, mà như Ngài đã tìm thấy chính mình tự tiền thân, nên nhân gian đã có Thi sỹ Tuệ Sỹ; và gia-đình-tâm-linh có Thiền sư Thích Tuệ Sỹ.
Bồ-Tát chỉ thuận thế vô thường biểu hiện, mà chưa từng rời xa chúng sanh khổ lụy…
Đa tạ! Xin muôn vàn đa tạ!
TN Hạnh Chi
(Tịnh Thất, một đêm mưa)
(*) “Mưa Cao Nguyên” trong thi phẩm Giấc Mơ Trường Sơn – Thiền-sư Thích Tuệ Sỹ.