Trần Ngọc Ninh: Tưởng nhớ một người Thầy trong Đạo

Trước đây, tôi được nghe nói Trường Cao cấp Phật học Việt Nam ở chùa Ấn Quang, đường Sư Vạn Hạnh, Sài Gòn, nơi mà anh tôi Trần Ngọc Lập, bút danh Trần Việt Sơn, được mời tới giảng dạy về pháp gì trong đạo Phật tôi cũng không biết, rằng ở trường có hai vị Thượng tọa đã đậu tiến sĩ Phật học ở tu viện Nalanda, Ấn Độ, lúc ấy đang là giáo sư. Một trong hai vị này và là người đầu tiên đã đi chiêm bái, tu học và thỉnh kinh từ Thiên Trúc về Việt Nam, là Thượng tọa Minh Châu.

Cái duyên tôi được gặp Thượng tọa Thích Minh Châu lần đầu là trong một buổi lễ rất ngắn tại Bộ Quốc gia Giáo dục, đường Lê Thánh Tôn vào năm 1967. Tôi ghi lại theo cái trí nhớ đã đứt khúc trong tuổi già của tôi. Thượng tọa, mặt tròn như trăng rằm, mình mặc một tấm áo cà-sa vải vàng, đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Tôi đại diện cho Chính phủ Việt Nam Cộng hòa trong tư cách Tổng Ủy viên Văn hóa Xã hội kiêm Ủy viên Giáo dục, cùng với ông Ngô Trọng Anh, Ủy viên Công chánh của Chính phủ.

Chúng tôi ký hợp đồng cho Giáo hội thuê cơ sở mới xây bởi Bộ Công chánh trong một thời hạn là 99 năm, có thể tiếp diễn, với cái giá tượng trưng là một đồng bạc. Cái hợp đồng hôm ấy là bản khai sinh của Viện và trường Đại học Vạn Hạnh.

Thượng tọa cho tôi biết là trường Vạn Hạnh đầu tiên sẽ chỉ có hai phân khoa: Khoa Phật học mà Khoa trưởng là do chính Thượng tọa giữ trọng trách, và Khoa Kinh tế Xã hội hay Khoa học Nhân văn, sẽ nhờ Giáo sư Tôn Thất Thiện làm Khoa trưởng. Những bước đầu sẽ rất là khó khăn, tôi đồng ý nhưng không dám có một lời đóng góp.

Tuy tôi đã có học về các đại học Âu châu từ thời Phục hưng qua Cách mệnh Pháp về những biến động của thời bấy giờ, lại đã trải qua công cuộc canh cải nền giáo dục Đại học Y khoa Việt Nam từ 1954 đến 1965 khi chuyển từ ảnh hưởng Pháp trước Thế chiến II sang pháp luật của Hoa Kỳ sau Thế chiến, nhưng về tinh thần triết lý và giáo pháp của Phật giáo thì thực sự là khi ấy tôi mù tịt. Vả lại, lúc đó, tôi cũng còn đang điên đầu về sự xây dựng lại cái hạ tầng cơ sở của nền giáo dục quốc gia và việc nâng cao sự học trong nước để có thể cộng tác và cạnh tranh (hai mặt song song) với quốc tế. Công việc ở bệnh viện và ở trường Y khoa Sài Gòn tôi cũng không thể rời bỏ được, nhưng nhờ có sự giúp đỡ của các bác sĩ cộng tác viên, lại có thêm GS.P. Petit, một thầy cũ của tôi, từ Paris sang dạy đỡ, nên tôi chỉ về bệnh viện những ngày Chủ nhật khi Bộ Giáo dục đóng cửa.

Nhưng ba tháng sau khi rút ra khỏi được Bộ Giáo dục và Tổng bộ Văn hóa Xã hội, thì một buổi sáng nọ có người cầm một bức thư của Thượng tọa Viện trưởng Đại học Vạn Hạnh đến mời tôi lại Viện có việc muốn tham khảo. Ông muốn tôi làm một giáo sư của Viện. Môn gì, ông bảo để tùy tôi chọn. Nhưng tôi chưa từng đọc một câu kinh, nghe một câu kệ và cũng không bao giờ tự mình vào trong cái chùa nào để lạy (lễ) Phật. Mà từ chối mãi không tiện, tôi đành phải nhận một giờ mỗi tuần với một đề tài mà tôi nghĩ rằng sẽ nói tự tâm vì không có sách, là “Khoa học với tôn giáo”, nhưng tôi sẽ chỉ nói về “Tôn giáo trước khoa học”. Nói cách khác, đây là vấn đề “Đạo lý của khoa học”.

Chuyện dạy học của tôi ở Đại học Vạn Hạnh là một đại học Phật giáo còn có lắm chuyện éo le hay là oái oăm nữa. Tôi không sợ sự tùy tâm và không có sách là vì từ tuổi nhỏ cho đến khi lớn, cha mẹ và các thầy không dạy mình cái gì thất đức, lúc đã thành người học y khoa, lại thấy tận mắt sự tàn ác của những con người học lầm hay hiểu lầm những học thuyết và những khoa học văn minh, thì đã biết, tự biết. Mà “biết” là /bodh/ diễn thuật từ Sanskrit (Phạn ngữ), căn của danh từ Buddha. Sự biết này không ở trong sách, không ở ngoài tâm. Khoa học của loài người đã lên cao lắm nhưng khoa học mà không có tâm là sự tàn phá của tinh thần.

Dạy về khoa học và tôn giáo, tôi dạy tôn giáo sơ khai và tôn giáo tiền sử, tức là một chương lớn của khoa học tôn giáo. Sau khi dạy được một năm, tôi bị bệnh nặng liệt giường gần hai tháng. Lúc hồi phục, tôi phải dùng sách, viết bài và dạy Lịch sử Văn minh (của loài người) rồi dạy Lịch sử Văn hóa Việt Nam khi tôi học về Ngữ lý Việt ngữ (Linguistique Vietnamienne). Chẳng có một mảy may là Đạo Phật, vì khi ấy tôi đã bước vào con Đường mà Đức Phật đã chỉ để tới mặt Trăng và vượt mặt Trăng.

Tỳ-kheo Thích Minh Châu là người đã đẩy tôi lên con đường mà từ đó tôi không ra khỏi.

Hai tháng trước ngày Phật đản, Thượng tọa Viện trưởng tìm tôi và thỉnh tôi diễn giảng về cốt tủy của đạo Phật tại Đại giảng đường của Viện. Tôi được giải thích rằng đây là lễ Vesak, không phải là ngày Phật đản sinh, mà là gồm ba ngày: ngày Đản sinh, ngày Thành đạo và ngày Nhập Bát-niết-bàn.

Bao nhiêu người giỏi trong Viện cũng như ngoài Viện, tại sao không thỉnh lại gọi đến một anh mù kinh. Tôi không biết gì cả, cái vỏ không có, biết gì đến cái lõi mà nói. Thượng tọa bảo tôi vào thư viện của trường, có khi Phật độ, thấy được chăng.

Nói đến thư viện thì tôi động lòng hiếu kỳ, muốn thấy tận mắt xem thư viện có được bao nhiêu quyển, so với Tứ thư, Ngũ kinh của Khổng Mạnh và Nho gia thì được mấy phần, còn đọ với Thư viện Vatican thì chẳng cần nói cũng biết rằng chỉ là lửa đom đóm bên cạnh mặt trời. Tôi tìm đường vào thư viện, cửa mở không khóa. Ở trong là một cái phòng lớn, đèn thắp sáng ngày đêm, ở góc có một cái bàn nhỏ, có một cô dáng người mảnh mai, mình bận áo ni cô xám, đang ngồi đọc hay dịch kinh. Tôi bước lại, tự giới thiệu, và cô nói “Dạ, thưa tôi biết. Giáo sư cần gì, tôi là Trí Hải, thủ thư của thư viện”.

Tôi học ở Pháp và đã đến những thư viện lớn nhất của nhiều nước, ở nhiều tỉnh và biết rằng thủ thư của một thư viện thường là một học giả am tường rất nhiều điều trong các sách của thư viện. Tôi hỏi cô Trí Hải ở đâu tôi có thể tìm được những lời dạy quan trọng nhất trong Giáo pháp của Đức Phật mà không bị người đời sau trích dẫn hay dịch thuật sai đi.

Cô Trí Hải cho tôi biết rằng Thượng tọa Viện trưởng đang dịch Kinh tạng Pāli, đã xong hai quyển đầu, là Trường Bộ kinh (Dīgha-Nikāya), và thư viện còn có những bản dịch Anh văn, Đức văn, Pháp văn và nhiều ngôn ngữ khác (Hoa, Nhật, Hàn, Nga…). Tôi là giáo sư thì có thể mượn sách về nhà để nghiên cứu, cô nói là “tụng niệm”.

Đột nhiên tôi nghĩ rằng trong một giáo lý thì không có một điểm nhỏ nào không hệ trọng, nhưng có một điểm nhỏ trọng đại nhất là điều cuối cùng mà Đức Phật nói ra với các môn đồ trước lúc Người rời cõi trần. Tôi hỏi cô Trí Hải có biết kinh hay sách nào nói về những ngày tận cùng của Đức Phật không, thì cô nói ngay “Kinh Đại Bát-Niết-Bàn viết rất rõ”, và cô lấy ra cho tôi cuốn Trường Bộ kinh đầu với bản dịch Anh văn và bản dịch Pháp văn để tôi đem về đối chiếu.

Tôi tìm thấy rằng Đức Phật đã bảo các học trò: Hãy t mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một gì khác”. Và Ngài còn nói thêm: Trong năm trăm Tỷ-kheo này, Tỷ-kheo thấp nhứt cũng đã chứng minh được quả Dự lưu, không còn đọa lạc, chắc chắn sẽ hướng đến Chánh giác (Sambodhi)”.

Thực là những lời khuyến khích và an ủi mạnh mẽ và tươi mát nhất của Đấng Đại từ Đại bi cho tất cả các môn đồ đang buồn rầu và lo lắng vì bậc Đạo sư tối cao sắp vĩnh viễn lìa trần mà bản thân mỗi người thì còn đang ngụp lặn trong bể khổ không bờ. Tôi lúc đó, nhìn khắp nước Việt Nam, chỉ thấy những người quê mùa vô tội đang bị lột trần để quay trên lửa đỏ, nhìn ra ngoài thế giới cũng chỉ thấy những người lo lắng và bất lực trước sự đe dọa của một cuộc chiến tận thế. Còn chính mình thì mới chỉ được một giọt nước rớt xuống từ một cành dương liễu mảnh mai. Những câu nói trên mà tôi thấy trong kinh Đại Bát Niết-bàn của Trường Bộ kinh, tôi mới chỉ hiểu một cách mập mờ và dịch ra tiếng ta đời nay, đại khái là “Tâm trí của mỗi người, một khi đã được mở ra với Chánh pháp, thì đã là một với Chánh pháp, và là ngọn đèn chỉ con đường sáng, cứ vững lòng, tất cả mọi người đều sẽ tới nơi”.

Thượng tọa Viện trưởng ngồi nghe tôi nói không thốt một câu. Nhưng rồi năm sau đến ngày Phật đản, tôi lại có một lời yêu cầu nữa. Tôi đăng đàn và nói về Bát chánh đạo, con đường tu tám lằn song song mà tôi ví với cỗ xe tám ngựa, nhưng cả tám con ngựa ấy đều chỉ là ta: Nhìn thế nào, phóng thế nào, chạy thế nào, cân bằng thế nào, thở thế nào, thu thân thế nào, chú tâm thế nào, quyết chí thế nào, phải theo đúng lời dạy. Thượng tọa tiễn chân tôi chỉ nói rằng ít ai dám giảng Bát chánh đạo. Tôi nói rằng tôi chỉ mới học mà thôi.

Nhưng năm sau, cái đầu đề còn khó hơn nữa. Thượng tọa muốn tôi nói về triết lý cổ Ấn trong thời Đức Phật. Buổi đầu tôi nói chuyện ở Viện Đại học Vạn Hạnh, có chừng ba bốn chục người đến nghe, tất cả đều lễ phép, không ai bỏ ngang về. Buổi thứ nhì, được năm sáu mươi, với vài vị sư áo vàng. Buổi thứ ba, nói về triết học cổ Ấn tôi rợn tóc gáy vì Đại giảng đường chật ních vào khoảng bảy trăm người, với một đề tài rất khô khan khắc khổ mà tôi làm thành một giáo trình cẩn trọng để cho chính tôi.

Thượng tọa Viện trưởng kiên nhẫn ngồi nghe với các thính giả và phê bình rằng bài giảng của tôi giống như một bài giảng của một vị thầy của Đại học Nalanda, nơi Thượng tọa học. Điều này không có gì lạ cả, là vì tuy các sách triết Ấn của GS.Dan Guita và của triết gia Radhakrisnan chỉ nói rất sơ sài về tư tưởng Ấn thời Đức Phật, nhưng kinh Brahmajala, dịch là kinh Phạm Võng, là cái lưới trời mà chính Đức Phật nói cho Tăng-già, đã nói hết cả. Triết học trói buộc con người vào sự khổ đau vĩnh cửu.

Bài diễn giảng cuối cùng cho ngày Vesak của tôi tại Đại học Vạn Hạnh là về “Tư tưởng xã hội của Đức Phật”. Khi nhận đề tài này, tôi ngơ ngẩn vì chưa hề nghe thấy một người nào, hay đọc được trong một cuốn sách nào của Anh, Pháp, Đức, Ý, Nga về Đức Phật xã hội. Nhưng tôi được biết rằng sau khi từ chối tất cả các đạo lớn, Tiến sĩ Ambedkar đã đi theo Phật giáo, mới trở lại Ấn Độ cho phép làm một buổi lễ lớn nhận một triệu người cùng đinh bị ruồng bỏ được quy y Phật, và chính ông cũng bỏ đạo cũ để thờ Đức Phật. Rằng Phó Thủ tướng Anh và Chủ tịch Đảng Xã hội là Atla, sau khi đi dự Đại hội của Đảng Xã hội Miến (Myanmar, tức Burma), đã tuyên bố rằng có một đảng xã hội Á châu đặt chủ thuyết trên lòng từ bi của Đức Phật và bỏ thuyết tranh đấu giai cấp, và rằng chính sách kinh tế của Canada nói rằng chủ trương trung đạo theo Giáo pháp (Dharma) của Đức Thích-ca Mâu-ni.

Thế nhưng để diễn giảng về tư tưởng xã hội của Đức Phật thì là một chuyện khác. Tôi lại về nhà và mỗi tối đọc cho hết năm bộ của Kinh tạng để nhặt ra những lời dạy của Phật Tổ về những chế độ và tập quán trong xã hội Bà-la-môn giáo. Và tôi sáng mắt lên với những ý tưởng tân tiến của Đấng Chánh đẳng Chánh giác hơn hai ngàn sáu trăm năm trước.

Bài giảng của tôi năm ấy đã được GS.Trần Văn Từ dịch ra Anh văn, rồi lại được bà Celia Barclay, một nữ sĩ Anh dịch lại rồi lưu truyền trong đạo Quaker, một giáo phái Thiên Chúa giáo rất uy tín ở Anh quốc. Tôi cũng dùng bài này làm nền móng cho một cuốn sách nhỏ của tôi, tựa đề là “Đức Phật giữa chúng ta”. Tôi nghĩ rằng thế giới hiện đại có thể được sáng hơn (enlightened) nếu được nghe lại những lời Phật dạy.

Trong những năm này, ngày đêm tôi học Phật và Đức Như Lai vẫn Như Lai với tôi ngoài những lúc tôi phải hành cái nghiệp trong y học và y khoa của tôi. Tôi không được học với Thầy Minh Châu một giờ một khắc nào, nhưng Thầy đã là người tiếp dẫn tôi đến chân Đức Phật, chỉ có năm bước đường và theo đúng lời dạy tối hậu của Người, “Tự mình là ngọn đèn cho chính mình, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa”.

Nhưng những ước mong của tôi chỉ là vọng ảo. Hiệp định Paris là kế hoạch chót để làm vỡ Thế giới Đỏ và gây một chiến cuộc mới giữa răng và môi, đồng thời lại thoát thân ra khỏi một vũng lầy chưa bao giờ bị.

Tôi còn gặp lại vị Thầy cũ trong đạo khi phải ở lại vì những xiềng xích của định mệnh. Năm 1977, Đại học Vạn Hạnh đã bị giải thể. Một buổi sáng Chủ nhật, tôi đang ngồi đọc truyện giải buồn thì Thầy Minh Châu được chở đến nhà tôi trên một chiếc Honda. Thầy kể rằng Thầy đã về ở Thiền viện Vạn Hạnh tại Phú Nhuận, mỗi ngày thức giấc từ 5 giờ sáng, xuống vườn đi vòng quanh chừng một tiếng đồng hồ rồi trở về tắm gội, ngồi thiền, xong thì ngồi dịch kinh cho đến tối. Việc dịch kinh đã thuần thục lắm, chữ nghĩa đã thông thuộc, nhiều khi đọc một câu tiếng Phạn (Pāli ngữ) thì tay đã viết ngay câu tiếng Việt.

Thầy đã dịch xong thêm một quyển Tiểu Bộ kinh (Khuddaka Nikāya) và muốn tôi đến giới thiệu tập kinh mới với các Phật tử. Lúc ấy, hàng ngày tôi phải đối đầu với những người của chế độ mới để bảo vệ sự học của các sinh viên y khoa và giữ gìn sự an ninh của các bệnh nhân của bệnh viện nên từ chối và nhắc Thầy rằng Viện Đại học còn có những giáo sư lớn như cụ Nguyễn Đăng Thục và GS.Vũ Văn Mẫu, xin Thầy thỉnh các vị.

Tuần sau, Thầy Minh Châu lại đến cùng với Thầy Hộ Giác, cho tôi biết rằng Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ đến dự buổi ra mắt bộ kinh, và hai giáo sư Nguyễn và Vũ đều không đến, nên nhất định tôi phải có mặt.

Tôi đã đến và giảng về Trung đạo, cái Đạo Giữa của Đức Phật, từ chối những Đường cực đoan. Sau bài giảng, tôi về thẳng nhà và hai tháng sau, bỏ lại hết mọi phiền trọc, cắt đứt mọi kiết sử, vượt biển tới Cù Lao (Pulau) Besar để chờ ngày đầu thai ở một cõi sống khác.

Thầy Minh Châu vẫn gửi các kinh sách của Thầy viết và Kinh tạng dịch từ Pāli, bản luận án tiến sĩ về Trung Bộ kinh, cuốn tóm lược A-tỳ-đạt-ma (Abhidhamma), cuốn Tiểu sử Huyền Trang, cuốn Đốt đuốc lên mà đi… sách nào tôi cũng đọc hết, nhập tâm và quên đi.

Tôi tiếp tục đi trên Con Đường đã dài hơn hai ngàn sáu trăm năm của Phật pháp. Không còn Thầy, tôi vào Trung luận với Long Thọ (Nagarjuna), vào Duy thức với Vô Trước (Asanga) và Thế Thân (Vasubandhu), vào Thiền Hoa-Nhật Mật tông, không quên các vị ngoại đạo là Lão Tử, Trang Tử, Patanjali, Sankara như Thượng tọa Minh Châu đã muốn tôi làm, và luôn luôn thắp sáng ngọn đuốc tâm mà Đức Phật đã nhóm lên cho mỗi môn đồ khi Ngài nhập Đại Bát-Niết-bàn.

Hiển thị thêm
Back to top button