Trần Trung Đạo: Ngôi chùa là dòng sông
Trên lối ra vào của tòa nhà nơi tôi làm việc ở Boston có treo một bức họa một dòng sông chảy ngang qua ngọn đồi cỏ xanh. Dĩ nhiên, phải đẹp lắm mới được treo ngay trong hành lang rộng nơi mọi người đều đi qua. Khi có dịp nhắc tới bức tranh, tôi thường nói với các bạn đồng nghiệp, bức tranh đẹp nhưng cảnh thật của làng tôi còn đẹp hơn thế nhiều. Các bạn người Mỹ ít khi tranh luận những chuyện đẹp xấu phát xuất từ nhận xét chủ quan, và hầu hết là dân thành phố nên gật đầu cho qua chuyện nhưng chắc trong bụng không tin.
Thật ra, nét đẹp của dòng sông quê hương tôi là nét đẹp của kỷ niệm, của ký ức. Trong ý thức tôi, suốt nửa thế kỷ qua, dòng sông vẫn chảy một màu, rặng tre vẫn xanh suốt bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Không có sông xưa hay bến cũ. Chỉ một dòng sông và một bến bờ.
Thật vậy, tôi đã đến nhiều dòng sông lớn như sông Yamuna, sông Hằng, sông Seine, sông Thames, sông Danube và nhiều sông đẹp ở Mỹ. Nhưng với tôi không dòng sông nào êm đềm và thơ mộng như sông Thu Bồn. Những chiếc ghe chài đậu dưới hàng tre đang nghiêng nghiêng soi bóng, đàn bò gặm cỏ, tiếng hò nhặt khoan.
Tôi ý thức về buồn, vui rất sớm. Những ngày còn nhỏ ở Duy Xuyên, khi có chuyện gì làm mình buồn tôi thường ra ngồi bên bờ sông. Từ nhà tôi ra sông chỉ cách một rặng tre. Khi vui tôi đi với bạn bè thả diều, câu cá nhưng khi không vui tôi chỉ đi một mình. Và tôi ngồi ở đó cho đến khi vơi buồn tôi mới trở về.
Bây giờ không có sông. Trước nhà tôi là một Thiền Viện. Giống như khi còn nhỏ ra sông, ở đây khi có việc không vui trong lòng tôi đến ngồi im trước Đức Phật. Không cầu xin và ngay cả không lạy Phật. Chỉ vái ba vái như một cách chào và ngồi xuống. Trong bóng tối mờ mờ, tôi chỉ thấy nụ cười của Đức Phật. Tôi im lặng để gạn lọc lớp bùn dơ đục trong ý thức của mình. Khi nhẹ lòng tôi đứng dậy ra về.
Nhắc chuyện trong đục tôi nhớ có đọc một câu chuyện về những lời dạy của Đức Phật trong một tạp chí Ấn Độ. Câu chuyện này cũng được nhắc lại trong các sách tiếng Việt, dù có khác ít nhiều.
Ngày nọ trên đường hành đạo, Đức Phật sai ngài A Nan đi lấy nước. Đức Phật bảo ngài A Nan trở lại dòng sông nhỏ mà Đức Thế Tôn và ngài A Nan vừa đi qua để lấy nước. Ngài A Nan bạch với Đức Phật rằng dòng sông đó vừa có một đoàn xe hai bánh chở đầy thóc lúa được những nông dân đẩy qua nên làm cho nước đục. Phía trước một đoạn đường không xa có một dòng sông khác nhưng nước chắc trong veo. Từ đây đến đó cũng bằng đoạn đường từ đây trở lại dòng sông cũ, nếu đi tiếp sẽ gặp nước trong. Nhưng Đức Phật nhấn mạnh ngài A Nan nên trở lại dòng sông cũ và nhớ phải lấy nước trong chứ đừng lấy nước đục.
Ngài A Nan dĩ nhiên vâng lời. Thị giả của Đức Phật ôm bình trở lại dòng sông cũ. Quả nhiên nước đục ngầu. Đoàn nông phu và đoàn xe hai bánh đã đi qua nhưng họ cũng đã khuấy động lớp bùn dơ dưới đáy sông. Đức Phật dặn phải lấy nước trong. Ngài A Nan đặt bình xuống, ngồi bên bờ sông và thiền định. Khi ngài mở mắt nhìn, phía trước là một dòng sông trong vắt. Ngài A Nan lấy đầy bình nước và trở lại nơi Đức Phật đang chờ. Trên đường về nhớ lại những lời Đức Thế Tôn dặn, ngài hiểu rằng Đức Phật chỉ mượn việc đi lấy nước để giảng về thiền định.Ý niệm trong con người cũng như nước trong sông khi những chất dơ lắng xuống, tâm sẽ trong sáng ra.
Vừa rồi tôi có kể lại chuyện bà Chín đối xử không tốt với tôi gần nửa thế kỷ trước. Có bạn khuyên tôi nên tha thứ, có bạn khuyên phải thông cảm cho bà, có bạn trách tôi sao lại đeo mang gánh nặng trên đường sau mấy chục năm. Bài viết thật ra không liên quan đến oán ghét, trách móc, căm hận đeo mang gì cả. Từ năm 13 tuổi, tôi đã không giận hờn bà. Nhiều người bà con ruột thịt của tôi còn đối xử với tôi tệ bạc hơn nhiều. Nếu tôi vướng vào những hệ lụy đó có thể tôi đã chết, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, từ lâu rồi.
Điều tôi muốn gởi gắm trong bài viết ngắn là mỗi người nên nghĩ thật, sống thật với chính mình và đón nhận mọi hoàn cảnh đến với mình bằng một tâm không bụi bặm, không thù oán. Mỗi người, mỗi sự vật đến trên đời này đều có lý do riêng. Nghiệp duyên mỗi người mỗi khác. Đừng trách ai mà phải biết chấp nhận những cái không như mình muốn nhưng đã cùng có mặt trong cùng một không gian và thời gian với mình, để từ đó vươn lên trong nhẹ nhàng, an nhiên và không bị vướng vào chấp. Trong dải thiên hà mênh mông vô số những vì sao, thoạt nhìn tưởng rằng mỗi vì sao riêng rẻ và độc lập nhưng không, chúng rất cần nhau nhưng đồng thời cũng có tướng dụng riêng. Từ bi, hỷ xả không đến từ những lời dạy tôn giáo, trong trường hợp tôi là Đức Phật, mà đến từ một tâm trong sáng của chính mỗi người.
Nói vậy không có nghĩa là tôi sống thật và nghĩ thật được hết. Tôi còn rất nhiều điểm xấu, phải nói là quá nhiều điểm xấu, để thay đổi. Tôi cũng nhỏ nhoi và phàm tục nên không thể tự ngồi sau vườn mà phải sang chùa nhờ uy nghiêm của Đức Phật.
Ngôi chùa với tôi bây giờ là dòng sông thời thơ ấu.