Trần Trung Đạo: Tiếng chuông chùa

Một lần chợt nhớ tiếng chuông chùa ngày xưa, tôi email hỏi thầy trụ trì chùa Viên Giác chiếc đại hồng chung ngày đó còn dùng không. Thầy trả lời không, chùa đã đúc chuông mới lớn hơn nhưng chuông cũ vẫn còn đó. Thầy gởi tôi tấm hình chiếc chuông chùa đã dùng trong thời tôi còn ở đó. Thật cảm động khi nhìn lại hình ảnh thân quen của tuổi 13.

Khi còn trọ học ở Viên Giác, các anh lớn gánh nước tưới rau, còn tôi nhỏ nhất trong chùa nên được giao công việc quét lá và đánh chuông. Lâu quá rồi tôi không còn nhớ chính xác là phải đánh bao nhiêu tiếng nhưng khoảng nửa giờ đồng hồ. Tôi và các chú tiểu nhỏ tuổi chia phiên nhau nên không phải đêm nào cũng thức dậy sớm. Dù sao, với tuổi 13, 14 còn ham ngủ mà phải thức dậy lúc bốn giờ rưỡi sáng để đánh chuông là cả một cực hình.

Trong phòng chú Điển, tức Hòa thượng Thích Như Điển ở Đức bây giờ, có chiếc đồng hồ reo. Tiếng đồng hồ reo vang dội cả ba phòng khu nhà Đông đánh thức mọi người nhưng chỉ có những người phải đi đánh chuông và tụng kinh khuya mới phải đi làm bổn phận của mình.

Năm đầu tôi ở chung phòng với chú Điển. Năm sau tôi dọn sang ở với các chú tiểu cùng lứa tuổi trong phòng gần dưới gốc cây đa. Các chú tiểu rất vô tư. Nằm xuống là ngủ ngay. Đúng giờ thức dậy đi tụng kinh khuya. Tụng kinh xong có khi còn đi ngủ tiếp. Các chú sinh hoạt như những chiếc máy. Ít cười và ít nói. Tôi cũng cùng tuổi nhưng không như các chú, đêm nào khi tới phiên mình đánh chuông xong, tôi thường nằm bên hiên chùa nghe tiếng lá reo. Nhất là mùa thu, tiếng lá rung như một điệu nhạc. Tùy theo vui buồn trong lòng mình, tiếng lá reo có lúc cũng êm đềm và nhiều khi cũng rất ngậm ngùi, cay đắng.

Ở chùa Viên Giác ngày đó có thầy Giải Nguyên. Thầy đi tu khi tuổi đã về già, sau khi đã nếm đủ hương vị của cuộc đời. Những người già thường ít ngủ. Thầy cũng thế. Khi thấy tôi đánh chuông xong ra nằm trên bệ xi-măng trước chùa, thầy cũng đến ngồi gần. Thầy kể tôi nghe nhiều chuyện vui buồn trong đời thầy. Nhưng dù chuyện gì cũng chỉ để dẫn đến một lời khuyên dành cho tôi, đời là bể khổ và chỉ có đi tu là con đường giải thoát. Tôi không phản đối nhưng bạch với thầy tôi không muốn đi tu. Tôi chỉ là người trọ học và một ngày tôi sẽ ra đi. Tương lai của tôi nằm phía bên kia cổng tam quan. Dường như tôi sinh ra là để đi xa.

Thời gian ở Viên Giác là thời gian cô đơn về tinh thần và khắc khổ về vật chất. Chùa rất nghèo. Không có ruộng đất như các chùa ở ngoại ô. Phần lớn chúng tôi ngày hai bữa sống nhờ vào thửa rau lang trồng trước sân chùa và những hủ chao do các bác bên Cẩm Nam mỗi tháng hai kỳ sang làm giúp. Các thầy, các chú lớn tuổi đi đám ma chay còn được cúng dường tiền bạc để chi dùng riêng tư, không ai cúng dường cho đứa bé như tôi. Cả chùa chỉ biết tôi là thằng bé mồ côi và không ai biết gì hơn thế nữa. Tôi không có ai để tâm sự và cũng không muốn tâm sự cùng ai. Tôi chỉ là khách trọ, đến không ai hay và đi sẽ không ai tiễn. Thật vậy, hơn bốn năm sau, một ngày đầu thu, tôi tự tay mở cánh cửa chùa ra đi. Tiễn đưa tôi chỉ có tiếng lá reo và tiếng chuông chùa còn ngân mãi trong tâm hồn.

Hiển thị thêm
Back to top button