TT Thích Mãn Giác: Diễn văn khai mạc Đại hội Văn hóa Phật giáo kỳ I/ 1974
Diễn văn Khai mạc
của Thượng Tọa Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa
Thượng Tọa THÍCH MÃN GIÁC
Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa
đọc vào sáng ngày 22-12-1974 tại Saigon.
Nhân danh Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa, thay mặt Ban Tổ Chức Đại Hội Văn Hóa Phật Giáo toàn quốc và toàn thể các Đại biểu tham dự Đại Hội, chúng tôi xin kính chào mừng Hòa Thượng Viện Trưởng, chư vị Thượng Tọa, Đại Đức Tăng, Ni, quí vị Văn nghệ sĩ và toàn thể quí vị quan khách đã ưu ái quang lâm tham dự buổi Lễ Khai Mạc Đại Hội Văn Hóa Phật Giáo toàn quốc hôm nay.
Chúng tôi xin chân thành tri ân tất cả quí vị đã khích lệ, trợ giúp, đóng góp tinh thần cũng như tài vật cho Đại Hội này được thành tựu.
Kính bạch Hòa Thượng Viện Trưởng,
Kính thưa Liệt Quí Vị,
Trong một hoàn cảnh quay cuồng, căng thẳng với bao nhiêu biến cố thời sự, với bao nhiêu bận tâm cấp thiết thường nhật như thế này thì những công việc cho «trăm năm» hay «muôn thời» như công việc văn hóa quả thật là rất khó khăn nếu không muốn nói là có thể bị xem như không tưởng, xa vời vì lẽ cảm nghĩ thông thường là có thực mới vực được đạo, có phú quí mới sinh lễ nghĩa, và Văn Hóa là Đạo, là Lễ Nghĩa cho nên Văn Hóa đương nhiên phải đi sau và đến sau cái sống còn, cái no đủ, cái an lành, các sung túc.
Cảm nghĩ thông thường đó không đúng nếu chúng ta hiểu Văn Hóa như là những gì làm đẹp thêm cho những cái đã đẹp sẵn, nói cách khác, nếu chúng ta hiểu văn hóa như một «giải trí ngoài trời lao tác» như một sản phẩm thặng dư. Tuy nhiên, ý nghĩa của văn hóa lại không chỉ là bấy nhiêu. Nếu đời đã là bề khổ như Phật Giáo quan niệm, và đất chỉ sanh chông gai, trái đắng như Thánh kinh nói thì hiện hữu hẳn là một nỗ lực tiên quyết để thoát khổ, để canh tác cho đất ươm mầm sống, cho thêm màu mỡ. Nỗ lực ấy chính là văn hóa và tất cả thành quả của nỗ lực ấy lại cũng chính là văn hóa vậy. Nói rõ hơn, văn hóa là nỗ lực thực hiện những ước vọng và nhu cầu vĩnh cửu, miên trường và đồng thời là thành quả nỗ lực thực hiện ước vọng đó.
Ước vọng và nhu cầu vĩnh cửu của người Việt Nam với tư cách con người là hạnh phúc và ấm no và với tư cách người Việt là «nam quốc sơn hà» vậy.
Không một chủ thuyết chánh trị, xã hội, kinh tế, đạo đức nào và không một người Việt Nam nào còn đủ chân thành để tự nhận mình là con Rồng cháu Tiên lại có thể đi ngược với ước vọng đó. Chủ thuyết Phật Giáo là một, người Phật Giáo là một, người Phật Tử Việt Nam là một.
Phật Giáo có thể không phải là một đáp ứng tuyệt đối, tối hậu cho những ước vọng nêu trên và nếu quả thật đã là người Phật Tử thì hẳn không ai có thể nghĩ giải pháp của mình là tối hậu cả. Tuy nhiên, bằng vào những kinh nghiệm lịch sử và dựa theo tiêu chuẩn hiệu dụng tương đối mà xét thì có lẽ không ai lại có thể phủ nhận rằng Phật Giáo Việt Nam đã có thời là giải pháp khả quan nhất để đấu tranh lập quốc Ngô, Đinh, Lê và kinh nghiệm củng cố phát huy độc lập Lý, Trần là những thực chứng về hiệu năng của giải pháp Phật Giáo đối với nhu cầu thăng tiến của con người về cả hai phương diện nhơn loại và công dân. Những thành công lịch sử từng là hoạt lực và niềm tự hào cho mọi người Việt Nam yêu nước đó đã cho thấy bí quyết hiệu dụng của giải pháp Phật Giáo chính là đã quân bình, thuần hóa và tăng bổ được những khiếm khuyết, những cực đoan về cả hai phương diện tâm linh và xã hội của những giải pháp khác. Nói cách khác bí quyết hiệu dụng của giải pháp Phật Giáo chính là khả năng hóa giải của Phật Giáo vậy. Hóa giải những căng thẳng và xung khắc giữa quốc tế và và quốc gia, cá nhân và xã hội, tư lợi và công ích, bản năng và trí huệ, phản động và cách mạng, tiến bộ và thoái hóa. Không có được khả năng hóa giải ấy thì Phật Giáo đã không thể là yếu tố chủ động trong việc tạo dựng quốc gia thành một thế lực thuần nhất về mặt tâm linh và hiệp ý về mặt xã hội để khả dĩ đương cự hữu hiệu những phong ba bão tố từ ngoài liên tiếp ào ạt thổi đến.
Nhắc lại kinh nghiệm Lý, Trần, không có nghĩa là chủ trương phải đẩy Việt Nam lùi lại thời kỳ đó, nhắc lại kinh nghiệm Lý, Trần cũng không có nghĩa là che đậy một tham vọng độc tôn, độc quyền tín ngưỡng. Nhắc lại thời đại Lý, Trần chỉ là để suy nghiệm lại một bài học lịch sử, và từ đó rút ra những ưu điểm thường hằng nếu không có thể làm căn bản thi ít ra cũng có tác dụng dẫn khởi cho việc tựu thành một giải pháp hữu hiệu khả dĩ đưa dân tộc ra khỏi những quay cuồng sân hận, oán thù, ly tán kéo dài đã hơn một phần tư thế kỷ nay.
Những tệ hại thông thường của thời hiện đại, và thường là tệ hại của truyền thống văn hóa Tây Phương gây ra, là đã giải quyết vấn đề của con người toàn diện bằng cách tách con người ra từng phần, tách xã hội trong đó con người đang sống ra từng lĩnh vực tìm giải pháp cho từng phần, từng lĩnh vực đó, và cuối cùng đi đến kết luận: giải pháp cục bộ đó cũng chính là giải pháp toàn bộ. Đó chính là trường hợp của những giải pháp chính trị, kinh tế, xã hội, và có khi cả tôn giáo nữa.
Mặt khác, những giải pháp cục bộ như chánh trị, kinh tế, xã hội và cả tôn giáo lại thường chỉ nhìn con người trong tương quan với cộng đồng cho nên lại chỉ đưa ra những giải pháp cộng thể, được cụ thể hóa bằng những hệ thống xã hội, những chế độ kinh tế, những định chế chánh trị.
Sở đoản thứ ba là sự thắng thế của những nhãn quan đạo đức tín ngưỡng hay triết lý phiến diện về bản chất, thiên chức và phần vụ của con người. Các nhân quan này lại là căn bản của những giải pháp chính trị, kinh tế, xã hội không chỉ được đề cập đến trong sách vở mà còn được đem ra thực hiện bằng sức mạnh vật chất, bằng bạo lực và súng đạn.
Hậu quả là nhơn loại đã khổ cực hơn là hạnh phúc, đồng loại đã ghét bỏ nhau hơn là yêu thương nhau, đồng bào đã xa cách hận thù hơn là gần gũi đùm bọc nhau.
Kể từ khi Việt Nam phải giao tiếp với Tây Phương và rồi phải rơi vào vòng ngoại thuộc về cả hai phương diện xã hội và tâm linh ngót một thế kỷ nay; kể từ khi người Việt và nước đã thực sự mở hai trận chiến cùng lúc để vừa chống ngoại xâm, vừa huynh đệ tương tàn nhồi da xáo thịt, chúng ta hẳn đã nhận thấy có rất nhiều giải pháp đã được đề nghị và gán ép cho người Việt Nam để nhằm giải quyết bài toán muôn đời của người Việt. Những giải pháp đó là biến Việt Nam thành hành lang Thái Bình Dương cho ngôi nhà Liên Hiệp Pháp; biến Việt Nam thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa tiêu biểu; biến Nam Việt thành một tiền đồn công cộng, hoặc thành một tiền tuyến lớn của trận chiến vô sản quốc tế chống đế quốc tư bản.
Tuy dị đồng và xung khắc nhưng tất cả những giải pháp đó đều có chung những đặc điểm là đã nhân danh hạnh phúc của người Việt và nước Việt nhưng đồng thời lại đem người Việt hy sinh cho nước Việt, đem nước Việt, hy sinh cho những quyền lợi hay lý tưởng quốc tế, quả quyết quyền lợi quốc tế cũng chính là quyền lợi của con người. Nói cách khác, tất cả những giải pháp này đều chưa bao hàm được nhân tính đích thực trong người Việt Nam, và Việt tính đích thực của những con người đã qua bao ngàn năm sanh ra, lớn lên, và chết đi trên dải đất hình chữ S này vậy.
Kính bạch Hòa Thượng Viện Trưởng,
Kính thưa Quí Ngài.
Nhằm thấy rõ hơn căn nguyên của những giải pháp phiến diện, và dựa vào tinh thần và truyền thống hiện hành của Phật Giáo Việt Nam để soi sáng thêm về đường hướng, về những trở lực và khả năng phục vụ của Phật Giáo Việt Nam trong hiện tại và tương lai, đó chính là mục tiêu của Đại Hội Văn Hóa Phật Giáo Toàn Quốc này. Nói một cách khác, ước nguyện của Đại Hội Văn Hóa Phật Giáo Toàn Quốc này là thử nhằm trả lời các câu hỏi:
Thứ nhất: Những bế tắc cụ thể đã và đang tiêu hao bao nhiêu máu xương của của đồng bào Việt Nam có phải chỉ là những bế tắc chánh trị, kinh tế, quân sự và có thể được giải quyết bằng những giải pháp chánh trị, kinh tế, quân sự không? Hay những bế tắc đó chỉ là hậu quả của một bế tắc trầm trọng hơn, đó là bế tắc tâm linh, văn hóa?
Thứ hai: Đâu là bản sắc của bế tắc văn hóa đó? Lịch sử Việt Nam đã đem lại những bài học nào trong việc tìm một lối thoát ổn thỏa và hữu hiệu cho những bế tắc đó?
Thứ ba: Trong chiều hướng «phụng hành tín ngưỡng bằng cách phục vụ dân tộc», và với tư cách là một thế lực văn hóa dân tộc, Phật Giáo Việt Nam có thể đóng góp gì vào việc giải quyết bế tắc đó?
Thứ tư: Đâu là những trở ngại văn hóa mà Phật Giáo Việt Nam đã gặp phải, và trong viễn tượng một nền hòa bình khả hữu, Phật Giáo Việt Nam có thể làm gì để duy trì và phát triển khả năng đóng góp văn hóa của mình?
Đó chính là những vấn đề mà sẽ được đặt ra trong Đại Hội này qua các buổi thảo luận về:
– Quốc Học trong Tinh Thần Hòa Giải Dân Tộc, do Giáo Sư Nguyễn Đăng Thục thuyết trình.
– Những Ngộ Nhận về Văn Hóa Phật Giáo do Giáo Sư Lê Văn Siêu phụ trách nêu ra.
– Tư Tưởng Việt Nam, do Giáo sư Trần Ngọc Ninh đặt vấn đề.
– Phát Triển Cơ Sở Văn Hóa Trong Khung Cảnh Thanh Bình của Đất Nước, do Giáo Sư Toan Ánh dẫn khởi và đề nghị.
Các buổi thảo luận này sẽ được sự tham luận quý báu của những nhà văn hóa hữu tâm trong cũng như ngoài Giáo Hội đào sâu và tăng bổ quan điểm của diễn giả, và sẽ được điều hợp chủ tọa của Chư Thượng Tọa Thích Thiện Minh, Cố vấn Giáo Hội kiêm Giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Huấn Luyện Quảng Đức, Thượng Tọa Thích Huyền Quang, Thượng Tọa Thích Quảng Độ, Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, và Thượng Tọa Thích Đức Nhuận, nguyên Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống.
Xen lẫn vào các công tác có tính cách lý thuyết căn bản này, Đại Hội cũng còn nhằm trình bày một vài hoạt động văn hóa đặc thù nói lên tác dụng trường cửu cũng như giai đoạn của văn hóa Phật Giáo và lịch sử Dân Tộc. Sau hết, Đại Hội cũng sẽ là cơ hội để các đại biểu hữu trách của Giáo Hội trong vấn đề duy trì và phổ biến văn hóa Phật Giáo ở cấp trung và hạ tầng trao đổi kinh nghiệm, hợp nhứt nhận định về đường lối, phương thức sanh hoạt và các nhu cầu văn hóa khế hợp với hiện tính quốc gia cũng như riêng địa phương.
Kính bạch Hòa Thượng Viện Trưởng,
Kính thưa Chư Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni,
Kính thưa Quí vị Văn Nghệ sĩ,
Kính thưa Quí vị Quan khách,
Kính thưa toàn thể Đại biểu.
Trong lịch sử của dân tộc này, Phật Giáo đã có những thời vàng son thịnh đạt, nhưng chưa bao giờ Phật Giáo tồn tại như một quyền lực thế trị và độc trị. Trong những thành đạt lịch sử cao nhứt, có thể đem lại cho tôn giáo và tín hữu của mình những đặc ưu, đặc quyền to tát nhứt, nhưng Phật Giáo trước sau vẫn tồn tại với quần chúng, với triều đình, hay chánh quyền quốc gia như một thế lực văn hóa mà thôi. Trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam, chỉ có những nhà vua bỏ triều đình đi làm nhà sư chứ chưa hề có một trường hợp ngược lại, chỉ có những người Phật Tử xả thân cứu nước chứ chưa hề có những người Phật Tử vì quyền lợi của cá nhân, đồng đạo hay tôn giáo của minh hy sinh quyền lợi của quốc gia, dân tộc. Sự thể chỉ vì trường hợp tu tập của người Phật Tử Việt Nam là phụng hành tín ngưỡng bằng hành động lợi tha, là phục vụ Đạo Pháp bằng phục vụ Dân Tộc vậy. Và công việc có một hiệu lực thiết thực và lâu dài đối với dân tộc trong hoàn cảnh bế tắc máu lửa này có lẽ là quyết tâm thành đạt một đường hướng vượt trên mọi mâu thuẫn và tranh chấp quyền lợi chánh kiến, tôn giáo, phe phái. Một đường hướng văn hóa hóa giải. Một đường hướng khả dĩ giúp mọi người Việt Nam thể nghiệm được giá trị nhân chủ và ước vọng Dân tộc thâm trầm của mình mà khỏi phải xem đồng loại như thù nghịch, đồng bào như công cụ.
Với nhận định và quyết tâm ấy, nhân danh Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa, chúng tôi xin tuyên bố khai mạc Đại Hội văn Hóa Phật Giáo Toàn Quốc kỳ thứ I này.
Trân trọng cảm ơn và kính chào toàn thể quí vị.
T.T THÍCH MÃN GIÁC
[Tạp chí Hải Triều Âm, số 8]