TT. Thích Pháp Uyển: Tăng là đoàn thể đẹp
Bài Thuyết Trình của TT. Thích Pháp Uyển
trong Đại hội Khoáng đại IV Nhiệm kỳ V GHPGVNTN Hoa Kỳ
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch Đại Tăng,
Kính thưa Đại Hội,
Trong chiều dài của dòng lịch sử phát triển Phật giáo từ những ngày đầu tăng đoàn được thành lập tại Ấn Độ, cho đến những đoàn sứ giả mang chánh pháp của đức Phật lan toả đi muôn phương thời Vua A Dục, hay ngay cả trong thời kỳ khoa học phát triển với văn minh kỷ thuật số hiện nay, Tăng Ni và tự viện là nơi hiện hữu của Phật – Pháp – Tăng. Vì vậy, vấn đề thanh tịnh, hoà hợp của các vị tỷ kheo tăng và tỳ kheo ni là biểu hiện sự hiện hữu của đức Phật trên thế gian. Do đó, GHPGVNTNHK luôn nỗ lực kế thừa, phát huy và xây dựng tăng già thanh tịnh, hoà hợp trong Giới Pháp của đức phật để hướng đến tinh thần của lý tưởng trang nghiêm Giáo hội, dấn thân phụng sự, sống tốt đời, đẹp đạo và góp phần cho những thành tựu phát triển của Giáo hội như bao đời lich đại Tổ sư đã vun bồi.
Ban Tăng Sự xin được mượn những tiêu chí để hướng đến sự phát triển trong đại hội IV nhiệm kỳ V đó là: Giới Luật, Trách Nhiệm, Hoà Hợp, Phát Triển.
1. Giới Luật
Chúng ta có thể khẳng định là: bất cứ một tập thể nào cũng cần có kỷ cương, nhỏ là tự viện, lớn là một tổ chức Giáo hội, xa hơn nữa như là Liên Hiệp Quốc. Sẽ là hiểm hoạ không lường nếu như không có kỷ cương, phi pháp, phi luật. Ngay từ khi có Tăng đoàn, đức Phật đã chế ra giới luật và những quy định cụ thể để tăng đoàn hoạt động.
Tại đại hội này, chúng ta cần nhìn thẳng vào một số vấn đề còn tồn tại để có những giải pháp vì kỷ cương của giáo hội, ngoài những giới luật mà Phật Tổ đã chế ra kỷ cương của giáo hội sẽ là những yếu tố tiên quyết cho tất cả những thành tựu phật sự của giáo hội. Chúng ta đều biết, trong kinh Di Giáo Đức Phật dạy về sự tối quan trọng của Giới luật; Giới luật còn thì Phật Pháp còn. Bây giờ hơn bao giờ hết, chúng ta cần nhận thức rõ ràng rằng: kỷ cương còn thì giáo hội còn.
Hiện nay, có 133 thành viên và 103 tự viện trực thuộc GHPGVNTNHK, vậy thì sự phát triển như thế nào chính là ở nhận thức và Kỷ Cương của mỗi tập thể cá nhân thành viên của Giáo hội. lời nói, việc làm của tăng ni trong thời đại 4.0 này rất là nhạy cảm dễ bị vơ đũa cả nắm. hằng triệu việc tốt mà Tăng Ni, Phật tử đã làm cho đời thì chẳng được mấy nhắc đến; hình ảnh của tăng ni đầy đủ giới hạnh trong cái nhìn của xã hội hiện đại vẫn luôn là một lĩnh vực khó khăn để kiện toàn. Nhân sự đông phát triển mạnh nhưng thiếu đi Kỷ Cương chắc chắn sẽ là mối hoạ lớn.
2. Trách nhiệm
Ở Hoa Kỳ, qua nhiều thế hệ chư Tôn đức vì sự hoằng truyền phật pháp để ngày nay GHPGVNTNHK, Tăng Ni Phật tử được kế thừa những thành tựu về sự phát triển cơ sở tự viện cũng như mọi thuận duyên cho việc hoằng pháp hiện tại, chắc hẳn chư Tôn đức tiền bối luôn gắn trách nhiệm của mình với sứ mệnh: “Tác Như Lai Sứ, Hành Như Lai Sự”.
GHPGVNTNHK hôm nay và mỗi thành viên Tăng Ni Phật tử hẳn sẽ nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình với sứ mệnh thiêng liêng cao cả trong việc hoằng dương phật pháp trên đất khách quê người, với biết bao khó khăn, từ ngôn ngữ, tài chánh, luật pháp và nhiều thứ khác nữa của xã hội mới mà mình chưa hiểu hết. Thế nhưng, chư tôn đức tăng ni đã và đang âm thầm cống hiến cho đời vì lý tưởng cao cả của những người xuất gia một lòng vì tâm nguyện “Thượng cầu Phật Đạo, Hạ Hoá Chúng Sanh.” Mong sao mỗi chúng ta luôn ý thức được trách nhiệm và lý tưởng xuất gia của mình vì sự phát triển của giáo hội thì hơn bao giờ hết, chúng ta cần nêu cao trách nhiệm của mình để mọi hoạt động phật sự ngày càng nhiều thành tựu.
3. Hoà hợp
Đức Phật là người xây dựng tăng đoàn bằng tinh thân lục hoà cộng trụ. Ngài từng dạy: “Này các tỳ kheo ngày nào các vị còn giữ sự hoà hợp thường xuyên hội họp để học hỏi với nhau, ngày ấy tăng đoàn còn tiếp tục phát triển và hưng thịnh.” Ngày nào các vị còn giữ sự thống nhất và hoà thuận khi hội tụ với nhau hay khi cùng thảo luận những quyết định quan trọng, ngày nào quý vị còn triệt để tôn trọng và tuân thủ những giới luật mà như lai đã chế định để giúp đỡ các vị, không bày thêm những giới luật mới khó khăn và áp đặt, ngày ấy tăng đoàn không bị suy thoái và huỷ diệt.
Trong nhiệm kỳ mới này, chúng tôi luôn mong mỏi các hội đồng của giáo hội luôn hoà hợp, nhẹ nhàng cùng nhau chia sẻ những khó khăn của các thành viên trong Giáo hội. Đồng thời giúp đỡ những tự viện thuộc thành viên giáo hội gặp khó khăn trong việc xây dựng và phát triển, để giúp cho Giáo hội ngày càng gắn kết hơn nữa, cũng nhằm để bảo vệ hình ảnh đẹp của tăng đoàn trước những thách thức của thời đại.
4. Phát triển
Phát triển GHPGVNTNHK trước những thời cơ thuận duyên và nghịch cảnh là một thách thức không hề nhỏ, nó đòi hỏi sự đồng lòng trí tuệ, sáng tạo và không thể thiếu quan tâm chia sẻ với nhau một cách bình dị, tạo cho nhau sự thoải mái khi sinh hoạt chung của các cấp giáo hội và mỗi thành viên. Trong bối cảnh Phật giáo hội nhập và phát triển trên đất nước tự do có nhiều biến chuyển nền tảng đạo đức gia đình, xã hội có phần lung lay trước nhu cầu vật chất thì hơn bao giờ hết, giá trị đạo đức phật giáo cần được đề cao và cần có Tăng Ni xiển dương những giá trị tốt đẹp đó.
Muốn phát triển thì chúng ta cần đổi mới tư duy trong việc điều hành phật sự, khuyến khích trọng dụng, những người có khả năng và hy sinh phụng sự vì Tăng Ni Trụ trì các tự viện là cánh tay nối dài của Giáo hội, là hình ảnh tốt hay xấu của xã hội, là niềm tin của Phật tử, nếu xét thấy cần thiết thì giáo hội phải đẩy mạnh việc bảo vệ, giúp đỡ cho tăng ni gặp khó khăn vì đây chính là bảo vệ hình ảnh “Tăng là đoàn thể đẹp, đi trên con đường vui”.
Phát triển GHPHVNTNHK trong thời đại khoa hoạ công nghệ và sự chuyển biến không ngừng của xã hội là một thách thức to lớn, bao trùm tất cả các hoạt động của cả hệ thống cho đến từng thành viên giáo hội. Bản thân Phật giáo tại Hoa kỳ cũng như trên toàn thế giới không phải không có những khó khăn. Thực trạng ấy càng khiến chúng ta, những người xuất gia, đặt trọn niềm tin bất động vào giáo pháp của Đức Phật.
Những khó khăn ấy sẽ được giải quyết trọn vẹn, không phải nhờ vào độ vênh của một thế lực này so với một thế lực khác, mà chủ yếu dựa vào ý thức tương quan sinh tồn và sự nỗ lực giữ lấy nếp sống Chỉ Quán và Bất Hại mà đức Phật đã chỉ dạy. Được như vậy, chúng ta mới có khả năng vượt qua mọi chướng ngại do dị biệt giáo Phái hay bất cứ yếu tố gì gây ra, để cùng nhau, trước hết, sống hoà hợp và thanh tịnh trong Giới và Pháp của đức Phật, thứ đến là cùng nhau xây dựng GHPGTNHK qua việc hoằng pháp lợi sanh.
Lịch sử luôn tiến về phía trước, ngày hôm nay sẽ là quá khứ của ngày mai. Chúng ta luôn trân trọng học tập và thừa hưởng những thành quả của các bậc tiền nhân để lại, nhưng lập lại quá khứ trong hiện tại là không cần thiết. Chúng ta cần phải một lòng hoà hợp, đừng vì dị biệt mà quên đi hoài bão của các bậc tiền bối.
Tóm lại, với nội dung tham luận vừa được trình bày trước đại hội chắc chắn không trách khỏi những điều chưa thực sự phù hợp, rất mong được sự hoan hỷ của quý đại biểu. chúng tôi tin tưởng rằng với sự thành công của đại hội IV nhiệm kỳ V nhất định GHPGVNTNHK tiếp tục phát triển vượt bậc hơn nữa trong thời gian sắp tới.
Trước khi kết thúc tham luận, chúng tôi xin kính chúc chư Tôn đức giáo phẩm chứng minh, chủ toạ đoàn, quý đại biểu vô lượng an lạc, chúc đại hội thành công viên mãn.
Trân trọng và kính chào đại hội.
Tu viện Đại Bi, California, ngày 15 tháng 06 năm 2024