Tuệ Sỹ: Trung Quán và vấn đề thực thể
Vận mạng của một thực thể đi qua trong nhận thức được giới hạn ở hai đầu sinh và diệt, đoạn và thường của không gian và thời gian; thực thể đó cũng được giới hạn trong những phạm trù đi và đến, một và nhiều của tự thể và tha thể.
Vì tính chất mâu thuẫn và đối lập của tri thức, nên người ta khám phá ra sự bất lực của nó đối với tương quan thực thể. Mọi cố gắng của tư duy là làm thế nào mà nhìn thẳng được vào trong tận cùng của thực thể. Nhưng vượt qua những bức tường kiên cố của tri thức, được dựng lên với những phạm trù lý trí, quả là khó khăn, và cũng có thể nói là nguy hiểm. Thực thể như luôn luôn bị bao phủ bởi những lớp mù của vọng kiến. Trong hai tri thức còn nằm trong tình trạng bị lôi kéo bởi những phạm trù, thực thể như một bóng mờ thấp thoáng ẩn hiện. Tri thức có thể khám phá ra nhiều khía cạnh của thực thể xuất hiện trên những bình diện tướng và dụng, nhưng khía cạnh này xuất hiện cùng lúc với khía cạnh kia, trùng trùng vô tận, nên rốt cuộc tri thức cũng như con kiến bò quanh trên miệng chén.
Thể, tướng và dụng là ba cấp độ xuất hiện của một thực thể, đồng thời đấy cũng là ba cấp độ của tri thức. Thực thể trong nhận thức nằm trên bình diện hiện sinh, nó luôn luôn được đặt trước những thắc mắc vô cùng về ý nghĩa sự xuất hiện của nó. Khi mà tri thức nắm lấy thực thể trên giai tầng biểu thị này, thực thể luôn luôn bị bóp méo cho phạm trù ý nghĩa. Trí thức bóp méo nó đi, nghĩa là tri thức không nhìn thực thể ấy như là thực thể, mà thực thể ấy sẽ được làm gì? Ta gọi đó là dụng của một thực thể nằm trên giai tầng hiện sinh.
Chính giai tầng hiện sinh này đã quyết định tất cả vận mạng của một thực thể đối với tri thức, không phải thực thể được chia làm ba giai tầng thể, tướng và dụng, nhưng chính bởi tùy theo cấp độ của tri thức mà thực thể xuất hiện dưới ba giai tầng đó. Chính vì tính chất phạm trù của tri thức, mà thực thể bị tàng ẩn sau những lớp lầy vọng kiến và cũng chính bởi tính chất phạm trù đó mà tri thức đã liên kết thực thể này với thực thể kia để trả lời cho ý nghĩa hiện hữu của nó, hiện hữu của con người với thực thể và tri thức bị đặt quay lưng lại với nhau. Sự liên kết thực thể này với thực thể khác tạo nên tính chất mâu thuẫn và đối lập trong ý nghĩa xung đột của thực thể. Xung động này làm nẩy sinh muôn nghĩa hoa đốm, đấy là những ảo giác về thực thể và chính bản thân của thực thể rơi vào trong tận cùng bí ẩn. Chúng ta nên biết, ý hướng của triết lý Trung quán là đưa nhãn quan trở về với trí thức như là thực tại và thực tại như là thực tại. Nhưng sự chạy trốn của tri thức trước những bí ẩn của thực thể đã đẩy thực thể xuất hiện trên bình diện hiện sinh. Nói thế là ta đã nhấn mạnh rằng mỗi sự xuất hiện qua nhận thức sẽ bị đòi hỏi có một tác dụng nào đó. Như vậy, tri thức không còn như thực tại và thực tại cũng không còn như là thực tại. Sự kiện đó cho ta hay rằng tri thức của con người vượt ra ngoài thực thể của con người để nhìn lại con người như là một thực thể biệt lập.
Bình diện hiện sinh không phải chỉ giới hạn ở con người. Bình diện hiện sinh là dụng của thực thể. Thực thể nói chúng. Nhưng chính chúng ta là một thực thể và chắc chắn sẽ không bao giờ vượt qua giới hạn đó. Mọi sự xuất hiện chung quanh ta sẽ được tri thức bóp méo đi để biến thành tác dụng, và chính chúng ta cũng chỉ là một thực thể chỉ được xuất hiện trước cái dụng đó. Vì thế, khi tri thức của ta đang bị đóng khung vào cái dụng của thực thể, thì thực thể của chính chúng ta và tất cả những thực thể xung quanh đều bị đẩy ra trình diện trên lớp hiện sinh.
Đối với tri thức, tác dụng của một thực thể là vận mạng quyết định của thực thể đó. Thượng đế là một thực thể với vai trò sáng tạo nằm trên chót và ở ngoài thực thể đang nghĩ về nó, Thượng đế ấy chính là ảo giác của nhận thức trên đoạn đường mới của những thực thể xuất hiện dưới khía cạnh dụng của nó, trên bình diện hiện sinh. Chính vì lý do đó mà thượng đế, đã đóng vai trò quyết định cho vận mạng của tư tưởng loài người.
Trên mặt phẳng hiện sinh không có một thực thể duy nhất mà có nhiều thực thể xuất hiện cùng lúc. Chúng nằm cạnh nhau; bởi vì chúng nằm cạnh nhau cho nên tri thức với tính chất phạm trù đã chịu khó phân chúng ra từng loại. Quả vậy, với chúng ta, không có một vật nằm riêng rẽ nào, mà luôn luôn là vật này nằm cạnh vật kia. Tri thức đặt lên một sự vật nào thì những sự vật khác cũng đồng thời đeo theo trong một chuỗi dài của sự vật đi qua nhận thức. Nhận thức đó luôn luôn bị đeo níu, chắc chắn là vậy. Bị đeo níu là vì sự vật qua nó bằng tính chất đối lập và mâu thuẫn. Bất cứ ở bình diện nào, hiện sinh hay không hiện sinh, và dù có nằm trong tính chất lưỡng phân tri thức lúc nào cũng tương quan với thực tại. Vì thế mà mâu thuẫn và đối lập trở thành đặc tính căn bản của tri thức. Cố nhiên là tri thức với những lớp vô minh dày đặc.
Tính chất đối lập và mâu thuẫn của tri thức đó tạo cho thực thể có một vận mạng được giới hạn bởi những hai đầu sinh-diệt, đoạn thường, khứ-lai, và nhất-dị.
Hiện sinh và ý nghĩa sống còn của một thực thể. Sống còn trong tri thức. Sự sống và những vấn đề chung quanh sự sống là môi trường cho mọi thứ xung động hiện khởi. Trong quá trình sinh thành của một thực thể, đặt trên những luận tắc của lý trí, quá trình ấy là biện chứng sinh thành và hủy diệt. Cho nên, sự sống của một kẻ này phải là sự chết của một kẻ khác. Trên đại đồng, cố nhiên sự hủy diệt của một quốc gia này chính là sự sinh thành của một quốc gia khác. Sự xung động ấy do bàn tay của tri thức mó vào.
Như vậy, biểu thị của dụng như là sự kết hợp giữa hai thực thể xung động tạo sinh thành hủy diệt. Thực thể sẽ thay đổi biểu thị của nó trên mặt phẳng xuất hiện cho tri thức. Đó là những tướng của thực thể.
Yêu cầu sinh tồn của một thực thể lập cước trên hiện sinh của dụng, và những xung động tất yếu của thực thể để làm nên sự sinh tồn đó lập cước trên hiện hữu của tướng.
“Pháp nhĩ như thị” là thực-tại-như-là-thực-tại của thể. Thể không đóng kín. Nhưng những biểu thị của thể qua hiện hữu của tướng luôn luôn bị tri thức với những phạm trù lý trí loại biệt, để tạo nên thế sinh tồn cho thực thể qua hiện sinh của dụng. Khi mà thể xuất hiện trong tri thức qua hiện hữu của tướng thì thể đó không còn là thực thể với chính nó mà là những thực thể liên kết. Thực thể này nằm cạnh thực thể kia, như ly nước ở trên bàn, bàn ở trong phòng, phòng ở trong nhà, nhà ở trong thế giới. Thực thể liên kết thành một chuổi dài để xuất hiện trong tri thức. Tri thức đó luôn luôn có những cái nhìn bị đeo níu trùng trùng vô tận. Nhưng nếu các thực thể liên kết trùng trùng vô tận đó không được tri thức uốn nắn để sắp đặt trên một trình tự diễn biến, tri thức sẽ trở thành vô dụng. Cho nên, phạm trù lý trí là đặc tính căn bản của tri thức.
Phương pháp của Phật giáo A-tì-đàm là phương pháp phân tích. Họ có lý để nói rằng các pháp như một đám hoa hỗn độn, xấu có tốt có, thiện ác chỉ cách biệt trong đường tơ kẽ tóc, nếu không có sự trạch diệt thì tri thức sẽ không được hướng dẫn đứng đắn trên đường gạn lọc vô minh.
Yêu sách phân tích đó cũng nằm trong phạm trù lý trí. Quá trình diễn biến của một thực thể đặt trên đoạn đường nhân duyên quả. Quá trình đó làm khơi dậy ý niệm về thời gian. Và chính ý niệm thời gian cho ta khái niệm về tính chất vận hành của thực thể. Nhưng vận hành này chỉ được biểu hiện qua mặt hiện sinh của dụng của một thực thể. “A-tỳ-đạt-ma” nói với pháp khi có tác dụng thì sinh, khi hết tác dụng thì diệt. Sinh diệt là dấu hiệu của vận hành.
Tuy nhiên vấn đề là phải đi sâu vào gốc rễ, đi vào trong tận cùng thực thể. Đắc thế thì sinh thất thế thời diệt, như luận Tỳ-bà-sa đã nói, chỉ cho ta nhìn được thực thể bị méo mó thì tùy theo cấp độ méo mó của tri thức. Nhưng ta đã nói ý hướng triết lý của Trung quán nhắm tới tri thức như là thực tại và thực tại như là thực tại, thì vấn đề thanh trừng những giai tầng ảo hóa của thực tại, cho thực thể xuất hiện với yếu tính của nó như là nó.
Tri thức và thực tại luôn luôn song hành, kể từ khởi điểm gạn lọc cho đến chót đường gạn lọc. Vì thế, yếu tính của thực thể không phải tự nó trình bày, nhưng là do tri thức trình bày. Với điều đó, ta thấy phương pháp “biến thiên thực thể” trong hiện tượng học của Husserl không đẩy được thực thể ra trình diện trước ánh sáng. Sự biến thiên ấy chỉ nhắm được biểu thị hiện hữu tướng của thực thể. Như vậy, yếu tính tối hậu, được xem như là yếu tính của thực thể do phương pháp biến thiên ấy, chỉ là hiện sinh dụng của thực thể do tri thức liên kết những tướng biểu thị của thực thể mà có. Vậy thì cuối cùng thực thể vẫn bị chôn chân dưới lớp dày huyễn hóa.
Khám phá ra thể của thực thể không phải là vấn đề không quan trọng. Nó định rõ được hướng đi của tri thức.
Vấn đề liên quan đến yếu tính của thực thể. Qua những trình bày trên, ta thấy rằng yếu tính ấy không phải được xác định bằng những tác động của một thực thể. Như ta đã biết, tác động của một thực thể là do sự xung động về những tướng của các thực thể, không phải thể của thực thể nầy xung động với thể của thực thể kia, mà do tri thức đặt tướng của thực thể này cạnh tướng của thực thể kia, để làm xuất hiện những tác động của khía cạnh dụng của thực thể trên bình diện hiện sinh, theo định luật biện chứng của mâu thuẫn và đối lập.
Bỏ đi khía cạnh dụng của thực thể, thì các tướng của thực thể được tri thức liên kết lại sẽ thiếu mất hợp đề, thành ra các tướng ấy bị đặt trong tình trạng phao khí (déréclition), và cũng từ đó mọi ý nghĩa hiện hữu của một thực thể lẩn tránh đi đâu để cho hiện sinh của chúng tan ra từng mảnh.
Ý nghĩa vận hành của thực thể được dự kiến như là yếu tính của thực thể. Khi chúng ta gạt bỏ đi khía cạnh dụng của thực thể thì các tướng thiếu sự liên kết hợp đề, nhưng với tri thức, chúng vẫn xuất hiện và vẫn có tác động, nhưng không có tác dụng, cho nên chúng hiện hữu một cách trơ trọi, lầm lỳ hay có vẻ ngang bướng. Vả lại nhân duyên quả như luật tắc cố định cho nhận thức, cho nên, mặc dù không có tác dụng nhưng có tác động của các tướng, thì thực thể vẫn như bị trôi trong những phạm trù sinh-diệt, đoạn-thường, và đó là ý nghĩa vận hành của một thực thể trên những giai tầng huyễn hóa.
Luật nhân duyên quả của nhận thức xác định các chiều không gian và thời gian của thực thể. Không phải chỉ với thời gian mà đủ làm ý nghĩa vận hành của một thực thể; song song với nó là cả không gian.
Không có không gian của một thực thể, nhưng của nhiều thực thể. Mỗi thực thể, cố nhiên là ta chỉ giới hạn được nhận thức về tướng mà thôi, được biểu thị với một trường độ nào đó. Chính trương độ ấy đặt một thực thể này giao tiếp với những thực thể khác theo ba chiều của một thực thể quanh nó. Sự giao tiếp ấy là những tác động của thực thể. Tác động không cần biết có dẫn đến tác dụng hay không nhưng vẫn tạo ra khái niệm về ý nghĩa vận hành của thực thể.
Tri thức có thể nhận ra thực thể này nằm cạnh thực thể kia trong tình trạng phao khí. Nhận thức này có thể tạo ra ảo giác cho tri thức rằng: sự vật như thế là như thế. Tuy nhiên, không phải gạt bỏ tác dụng của thực thể thì bản thân của thực thể xuất hiện. Bởi vì tri thức dự tính rằng sự vật nó như thế là như thế, nên khi thực thể bị rơi mất tác dụng thì tướng của nó trở thành rời rạc, có vẻ rằng nó như thế là như thế. Tác dụng của một thực thể là quyết định vận mạng của một thực thể, nhưng không xác định được yếu tính của một thực thể. Ý nghĩa vận hành của thực thể cũng chỉ là dự kiến của tri thức. Vì khi tri thức biết rằng nhận thức luôn luôn đeo níu bởi những trường giang đại hải sự vật, nó được yêu cầu phải làm thế nào nhìn thẳng vào sự vật nó như là nó. Bởi vậy, thực thể luôn luôn ở trong trạng thái sẽ trở thành. Sẽ trở thành tức là thực thể đang vận hành. Cố nhiên với ý nghĩa vận hành này, ta thấy yếu tính của một thực thể được xác định bởi những tác động và tác dụng của chúng. Và với chúng ta, thực thể vẫn còn nằm trong tận cùng bí ẩn.
Chúng ta thấy rằng vì yêu cầu liên kết những tướng của thực thể cho nhận thức nên thực thể luôn xuất hiện dưới tri thức trong trương độ của nó. Vì vậy người ta nói rằng không có không gian thì không thấy thực thể cho nên không gian như là yếu tính thực thể. Tuy nhiên, với chúng ta, đấy không phải là chính bản thân của thực thể mà chỉ là những tướng của thực thể mà thôi.
Nhận thức về ý nghĩa vận hành của thực thể, chúng ta cũng chỉ nhận ra ý nghĩa đó qua trình diện hiện hữu tướng của thực thể mà thôi.
Tri thức mà từ chối không tiếp đón những tác dụng của thực thể thì chỉ có kéo lôi con người vào một hoang mang hỗn loạn đối với ý nghĩa hiện hữu của chính mình. Nhưng nếu nó từ chối luôn không tiếp nhận có những tác động của thực thể, bấy giờ không gian sẽ băng hoại và thời gian sẽ gãy đổ, con người sẽ tự thấy đứng trước một vũ trụ hư vô bao la dày đặc. Ý nghĩa của cuộc sống hiện ra với con người bằng những kinh mang tột độ. Người ta sẽ ôm cái bí ẩn ấy trọn đời vào chết trong cái bí ẩn kinh mang tột độ ấy. Mọi xác định về yếu tính xem như là yếu tính đích thực của thực tại, với chúng ta, chỉ là những dự kiến, không hơn không kém.
Những quãng đường của không gian bị gẫy đổ là do yêu cầu của tri thức về nhận thức ra bản thân của mình thực thể và yếu tính của thực thể xuất hiện trong tri thức phạm trù là những đối lập và mâu thuẫn tuyệt vời của nhận thức. Đấy là những kinh mang tột độ. Người ta bị đối chọi giữa hai ý niệm, một là những yêu cầu đóng khung trong phạm trù lý trí, với không gian và thời gian và một nữa, là chối bỏ mọi bình diện của thực thể để cho yêu cầu thực thể như là nó. Ở đây, chính bởi tri thức và thực tại song lập. Thực tại xuất hiện lầm lì tự nó, và tri thức cũng muốn để tự thực tại vận hành với yếu tính của nó; nhưng tri thức vẫn để lên thực tại với những phạm trù lý trí. Chúng ta phải đợi khi nào tri thức như là thực tại và thực tại như là thực tại. Tất cả vấn đề của chúng ta là ở đó.
Ý niệm thời gian và không gian đối với một thực thể chỉ xuất hiện trên bình diện hiện sinh bằng những tác dụng của thực thể. Thực thể là có tác động, nhưng nếu không có tác dụng thì thực thể ấy dù có vận hành nhưng không vận hành trong không gian và thời gian. Giản lược được không gian và thời gian trong nhận thức đối với thực thể chưa phải là khám phá ra thực thể toàn bích và toàn diện. Tư tưởng chúng ta phần lớn bị chặn đứng ở giai tầng hiện tướng của thực thể và cho rằng đó chính là thực tại, hay thực thể toàn bích và toàn diện. Do theo đây mà chúng ta có thể đánh giá cấp độ tàn phế của trí thức qua các giai tầng huyễn hóa của thực tại, và cố nhiên ở đó cũng xác định luôn trình độ tư tưởng.
Luôn luôn chúng ta bắt đầu mọi hiểu biết nằm trong phạm vi ý nghĩa tác dụng của thực thể. Hiểu biết của chúng ta bao giờ cũng nhắm đến kết quả trước. Kết quả ấy tự hình thành một cách mặc nhiên và xẩy ra đúng quy tắc của lý trí đặt ra. Trong khi tìm hiểu vấn đề, tìm hiểu đó ít có giá trị khám phá ra thực thể toàn bích và toàn diện, nhưng ta chỉ tìm thấy những xung động phát xuất do sự giao tiếp của tướng của các thực thể. Xung động ấy sẽ được hướng dẫn đúng đắn theo luật tắc nhân duyên quả của tri thức, nhắm vào tiêu điểm kết quả đã đượng dụng lên từ trước. Vậy thì, mọi khám phá, nếu không phải đào lấp được đến tận cùng ý nghĩa của thực thể, những khám phá ấy chỉ có nghĩa là hoàn thành những gì mà tri thức dự tính. Chắc chắn nó không có nghĩa khám phá như ta hiểu thông thường là tìm thấy một điều nào đó xẩy ra ngoài những gì mà tri thức đã biết. Nhưng chúng ta cũng có thể hay rằng khám phá mà không nhìn thấy yếu tính thực thể của điểm khám phá, thì những lạ lùng ấy chỉ là những xung động của tướng của các thực thể phát ra. Tất nhiên ta hiểu rằng những xung động không nằm trong luật tắc của tri thức, chỉ có tác dụng mới được tri thức bóp méo đi. Nhưng tác động của tướng của thực thể cũng chịu chung số phận như thế. Tri thức sẽ biến những xung động ấy thành tác dụng.
Vận hành của một thực thể như là biểu thị của thực thể đó, bởi vì thực thể được biểu thị qua khía cạnh tướng của bình diện hiện hữu; và nếu mà ta gở bỏ được những khung thời gian và không gian đóng trong nhận thức, thì chúng ta vẫn chỉ có thể không chấp nhận tác dụng của thực thể. Đời sống quên cả không gian quên cả thời gian đối với ta quả thực là đời sống quá ư vĩ đại và chúng ta khó khăn lắm, nếu không phải là chịu đựng thử thách phi thường thì khó mà thực hiện; nhưng chúng ta lại biết rằng như thế chỉ mới nhìn vào tác động đơn thuần của một thực thể, mà chưa khám phá ra ý nghĩa của thực thể. Nói vắn tắt, nếu ta gọi tùy theo cấp độ của tri thức mà thực thể xuất hiện dưới ba tầng thể, tướng và dụng, thì tư tưởng của chúng ta mới chỉ dừng lại ở tướng. Thể vẫn bị che lấp sau bức tường vọng kiến của tri thức. Ý nghĩa của thể ấy như thế nào, chúng ta chỉ có thể dự kiến nhưng dự kiến ấy như một trường thành bao giờ cũng cản chân không cho ta bước vào trong tận cùng thực thể. Rút lại chỉ còn vấn đề phương pháp mà thôi. Phương pháp ấy xác định hướng đi của tri thức, nó không dự kiến thế nào về thực thể. Và đó chính là điểm độc đáo nhất của Trung quán.
Tuệ Sỹ
[ Tạp chí Tư Tưởng số 1 – 1967 ]