Tỳ-kheo Bodhi: Giáo dục Phật giáo ngày nay: Xem thách thức là cơ hội

Thích Nguyên Hiệp dịch

Giới thiệu

Từ khởi nguyên của mình, Phật giáo đã kết nối mật thiết với giáo dục. Giáo dục đóng vai trò quan trọng trong Phật giáo như vậy bởi vì Đức Phật dạy rằng nguồn gốc của khổ đau là do vô minh, cái thấy biết sai lầm về bản chất vạn vật. Theo Phật giáo, một người chỉ đến được con đường giải thoát bằng việc tu tập tuệ, và điều này đòi hỏi phải thông qua một chương trình giáo dục có hệ thống. Sự truyền tải thông điệp của Đức Phật đến cuộc đời là một tiến trình chỉ dạy và khai trí. Chúng ta thường thấy trong các bản kinh, mỗi khi Đức Phật thuyết một bài kinh “Ngài chỉ dạy, sách tấn, gây cảm hứng và tạo hoan hỉ” cho hội chúng bằng một bài Pháp thoại. Lời dạy của Đức Phật được gọi là Buddha Vacana, “Lời của Phật.” Những lời cần được nghe. Như vậy những lời dạy của Đức Phật, mà chúng khai mở sự thật giải thoát, cần được chăm chú lắng nghe, suy ngẫm, và cần được hiểu một cách sâu sắc.

Theo Luật tạng (Vinaya), những tăng ni mới thọ giới bắt buộc phải trải qua nhiều năm sống dưới sự hướng dẫn của vị thầy của họ. Trong thời gian này, họ học những giáo lý cơ bản của Đức Phật. Những bản kinh Phật thường mô tả năm giai đoạn riêng biệt trong tiến trình giáo dục: “Một vị tăng cần học nhiều; khắc ghi những gì đã học; ôn lại điều đã học; kiểm nghiệm điều đã học một cách trí tuệ; và hiểu lời dạy một cách sâu sắc với tuệ quán.” Ba giai đoạn đầu đề cập đến việc học. Thời Đức Phật không có sách, vì vậy để học Pháp (Dhamma) mỗi người phải thân cận những bậc thầy thông thái, cẩn trọng lắng nghe những gì các bậc thầy giảng dạy. Sau đó mỗi người phải khắc ghi điều đã học vào trong tâm trí, ghi nhớ, ấn sâu vào trong trí não. Để giữ cho lời dạy không phai mờ trong tâm trí, người ta phải hồi nhớ lại bằng cách tụng đọc lớn lên. Vào giai đoạn thứ tư, người ta xem xét ý nghĩa của lời dạy. Và ở giai đoạn thứ năm, điểm cao nhất của tiến trình, người ta phải thâm nhập thấu hiểu nó với tuệ quán, tìm thấy chân lý cho chính mình.

Những mục đích của giáo dục Phật giáo truyền thống

Mỗi khi bén rể và hưng thịnh ở đâu, Phật giáo đặc biệt luôn nhấn mạnh vào việc nghiên cứu và học thuật. Ở Ấn Độ, suốt thời kỳ hoàng kim Phật giáo, các tự viện Phật giáo phát triển thành những đại học lớn mà chúng thu hút sinh viên khắp Á châu. Khi Phật giáo truyền bá đến những quốc gia châu Á, các tự viện đã trở thành những trung tâm học thuật và văn hoá quan trọng. Những ngôi chùa làng là những nơi dạy đọc dạy viết cho con em trong làng. Các tu viện lớn đã phát triển những chương trình nghiên cứu Phật học quy mô, nơi đó kinh điển, triết học Phật giáo được nghiên cứu, thảo luận và tranh biện. Tuy nhiên, trong lịch sử lâu dài của mình, thường việc nghiên cứu giáo pháp chịu sự chi phối bởi những mục đích của giáo pháp. Những vị thầy của Phật giáo hầu hết đều là tăng sĩ, học sinh hầu hết đều là tăng sinh, và việc học được theo đuổi vì niềm tin và kính ngưỡng giáo pháp.

Những mục đích của giáo dục truyền thống Phật giáo là gì?

(1) Điều đầu tiên đơn giản là để biết và hiểu kinh điển. Phật giáo là một tôn giáo của kinh sách, nhiều kinh sách: những kinh được Đức Phật hay những vị đại đệ tử của Ngài giảng dạy; những pháp ngữ của các vị thánh ngộ đạo, các vị A-la-hán, Bồ-tát; những luận giải của những triết gia Phật giáo; những chú giải; hậu chú giải và hậu-hậu chú giải. Mỗi truyền thống Phật giáo lại khai sinh thêm một thư viện chất đầy kinh sách. Như vậy, mục đích chính trước hết của giáo dục Phật giáo truyền thống là để học những kinh điển này, và sử dụng chúng như một thấu kính để hiểu ý nghĩa lời Phật dạy.

(2) Chúng ta học kinh như là một phần của tiến trình tu tập. Như vậy mục đích thứ hai của giáo dục Phật giáo là để chuyển đổi bản thân chúng ta. Trong truyền thống Phật giáo, kiến thức mà một người có được thì hoàn toàn khác với loại kiến thức thực tế mà một nhà khoa học hay học giả có. Một nhà khoa học hay học giả thế tục có thể bất lương, ích kỷ và đố kỵ nhưng vẫn có những đóng góp sáng giá trong lĩnh vực của vị ấy. Tuy nhiên trong Phật giáo, kiến thức được sử dụng để tạo nên tính cách của chúng ta. Chúng ta học Giáo pháp để có thể trở thành một con người tốt hơn, một người có phẩm hạnh và đức tính chính trực, một người liêm chính đạo đức. Như vậy chúng ta sử dụng những quy chuẩn mà mình học được để chuyển đổi bản thân. Chúng ta tìm cách chuyển đổi bản thân thành những “khuôn mẫu” phù hợp với lời dạy. Điều này có nghĩa rằng chúng ta phải điều chỉnh hạnh kiểm của mình sao cho phù hợp với các luật tắc. Chúng ta phải huấn luyện tâm mình để vượt qua những ưu não. Chúng ta phải xây dựng tính cách của mình, để trở nên tử tế, lương thiện, chân thật và từ bi đối với mọi người. Việc học tập giáo pháp trao cho chúng ta những nguyên tắc mà chúng ta cần để hoàn thiện việc chuyển đổi bản thân này.

(3) Trên nền tảng này chúng ta hướng đến những lời dạy liên quan đến thiền quán và trí tuệ. Điều này đưa chúng ta đến mục đích thứ ba của giáo dục truyền thống Phật giáo: để phát triển trí tuệ, một sự thấu hiểu về bản chất thật sự của vạn vật, những nguyên lý mà chúng luôn chân thật, luôn giá trị. Cho dù một vị Phật có xuất hiện ở đời hay không; cho dù một vị Phật có giảng dạy hay không, Pháp (Dhamma) luôn vẫn như vậy. Một vị Phật là người nhận ra Pháp, những nguyên lý chân thật của thực tại, và tuyên bố chúng với cuộc đời. Chính chúng ta phải đi theo con đường đó và tự thân nhận ra chân lý. Chân lý chính là bản chất của hiện tượng, bản chất thật sự của cuộc đời, mà chúng ta không nhìn thấy được bởi những quan kiến méo mó và những khái niệm sai lạc. Bằng cách thay đổi quan kiến sai lầm, điều chỉnh lại những quan niệm và đào luyện tâm thức, chúng ta có thể nhận chân được chân lý.

(4) Cuối cùng, chúng ta sử dụng sự hiểu biết Pháp của mình – có được bằng nghiên cứu, tu tập, và nhận chân – để giảng dạy người khác. Là những tu sĩ, trách nhiệm của chúng ta là hướng dẫn người khác bước theo con đường hạnh phúc và hoà bình, để chỉ dẫn họ những phương pháp giúp phát triển tuệ quán và tịnh hạnh cho bản thân họ. Chúng ta nghiên cứu pháp để làm lợi ích cho cuộc đời này giống như làm lợi ích cho chính bản thân chúng ta.

Thách thức của học thuật hàn lâm

Khi chúng ta bước vào kỷ nguyên hiện đại, mô thức truyền thống của giáo dục Phật giáo đã gặp phải một thách thức cơ bản từ mô hình học thuật Tây phương. Giáo dục Tây phương không tìm cách phát triển tâm linh. Người ta ghi danh vào một chương trình Nghiên cứu Phật học tại một đại học Tây phương không phải nhằm thăng tiến theo con đường đưa đến giải thoát. Mục đích của việc Nghiên cứu Phật học mang tính học thuật là để truyền đạt và thu nhận những kiến thức về Phật giáo, để hiểu Phật giáo trong ngữ cảnh văn hoá, văn học và lịch sử của nó. Nghiên cứu Phật học mang tính học thuật khiến Phật giáo trở thành đối tượng tách khỏi đời sống tâm linh của sinh viên, và điều này hình thành nên một sự lạc hướng, lạch khỏi mô thức truyền thống của việc học Phật.

Phương pháp Nghiên cứu Phật học mang tính học thuật đề ra một thách thức đối với Phật giáo truyền thống, mà đó là một sự thách thức chúng ta nên tiếp nhận. Có hai thái độ thiếu khôn ngoan mà chúng ta có thể vướng phải đối với sự thách thức này. Một là chúng ta quay mặt và chối bỏ sự nghiên cứu mang tính học thuật về Phật giáo, nhất quyết đi riêng theo phương pháp truyền thống của giáo dục Phật giáo. Một nền giáo dục truyền thống có thể khiến chúng ta trở thành những tăng ni thông tuệ, những người có thể đóng chức năng hiệu quả trong một nền văn hoá Phật giáo truyền thống; tuy nhiên, chúng ta sống trong thế giới hiện đại và phải giao tiếp với những con người hấp thụ nền giáo dục hiện đại và suy nghĩ theo cách thức hiện đại. Chấp chặt vào một phương pháp truyền thống cứng nhắc, chúng ta có thể nhận thấy mình giống như những người thủ cựu với những chiếc đầu cạo nhẵn và những bộ y vàng. Chúng ta sẽ giống như những những người Chính thống giáo khước từ khoa học hiện đại – chẳng hạn như địa chất học và học thuyết tiến hoá – bởi vì chúng trái ngược với sự giải thích theo ngữ nghĩa của Thánh kinh. Điều này không hề hữu ích để tiến đến việc chấp nhận Pháp.

Thái độ thiếu khôn ngoan thứ hai là từ bỏ những mục đích truyền thống của giáo dục Phật giáo và chạy theo mô hình học thuật hiện đại trong việc biến hiểu biết khách quan về Phật giáo thành mục đích chung của chính sách giáo dục của chúng ta. Điều này có nghĩa rằng chúng ta từ bỏ những sứ mệnh tôn giáo mà chúng ta phải đảm nhiệm khi phát nguyện trở thành tăng/ni. Việc chọn lựa giải pháp này có thể khiến chúng ta trở thành những nhà học giả uyên bác, nhưng nó cũng có thể khiến chúng ta trở thành những kẻ hoài nghi, xem Phật giáo chỉ là nấc thang cho việc phát triển sự nghiệp học thuật của mình.

Chọn một giải pháp Trung đạo

Điều chúng ta cần làm là chọn một “con đường trung đạo” mà nó có thể kết hợp những đặc điểm tốt nhất của giáo dục truyền thống Phật giáo với những giá trị tích cực của một phương pháp học thuật hiện đại về Nghiên cứu Phật học. Vậy những giá trị tích cực của giáo dục truyền thống Phật giáo là gì? Tôi đã đề cập điều này khi thảo luận về những mục đích của giáo dục truyền thống Phật giáo. Tóm lược, giải pháp truyền thống đối với giáo dục là tự uốn nắn để chúng ta có thể đào luyện tính cách và phẩm hạnh, để phát triển trí tuệ và hiểu biết sâu sắc về Pháp, và để trợ giúp hướng dẫn người khác, bằng cách ấy góp phần truyền bá Phật giáo từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những giá trị tích cực của phương pháp học thuật hiện đại là gì? Ở đây, tôi sẽ đề cập bốn điểm:

(1) Nghiên cứu mang tính học thuật về Phật giáo giúp chúng ta hiểu Phật giáo như là một hiện tượng lịch sử và văn hoá. Thông qua việc nghiên cứu lịch sử Phật giáo, chúng ta xem cách Phật giáo đã đương đầu với một bối cảnh lịch sử cụ thể như thế nào; cách nó phản ứng lại những ảnh hưởng xã hội và văn hoá ở Ấn Độ trong suốt thời kỳ Đức Phật; cách nó phát triển thông qua những những khảo sát trí tuệ và trong việc đáp ứng làm thay đổi những điều kiện lịch sử. Chúng ta cũng nhìn thấy cách thức, khi Phật giáo truyền bá đến những quốc gia khác nhau, đã phải thích ứng đối với những quy chuẩn xã hội, văn hoá  đang hiện hành như thế nào, và thế giới quan của những xứ sở mà ở đó nó đâm rễ ra làm sao.

(2) Cái nhìn khái quát lịch sử này giúp chúng ta hiểu rõ hơn nét khác biệt giữa cái cốt tủy của Pháp và “bộ y phục” mà Phật giáo đã phải mang để phù hợp với môi trường của nó. Giống như một người có thể thay y phục theo mùa trong khi vẫn chính con người ấy, cũng vậy Phật giáo khi truyền bá từ quốc gia này đến quốc gia khác, nó vẫn giữ lấy những đặc tính riêng của mình trong khi điều chỉnh hình thức bên ngoài để cho phù hợp với nền văn hoá đang phổ biến ở đó. Như vậy, thông qua việc nghiên cứu lịch sử Phật giáo và những trường phái triết học Phật giáo khác nhau, chúng ta có thể thông hiểu sâu sắc hơn cốt tuỷ của Pháp, những gì là trọng tâm và những gì là thứ yếu. Chúng ta sẽ có thể phân biệt những khía cạnh nào của Phật giáo được biến chuyển cho tương thích với những tình huống cụ thể, và những điều nào phản ánh chân lý rốt ráo, không thay đổi của Pháp.

(3) Nghiên cứu học thuật về Phật giáo làm sắc bén thêm khả năng suy nghĩ có phân tích của chúng ta. Điểm đặc biệt đối với tất cả những nguyên tắc học thuật hiện đại là đưa ra tiền đề rằng không có thứ gì nên được công nhận vì được công nhận. Tất cả các giả thuyết đều mở ra chất vấn, mọi lĩnh vực tri thức cần được kiểm nghiệm kỹ lưỡng và nghiêm ngặt. Giáo dục truyền thống Phật giáo thường nhấn mạnh vào việc chấp nhận mà không cần chất vấn về kinh điển và truyền thống. Giáo dục học thuật hiện đại mời gọi chúng ta tranh biện về mọi tín ngưỡng Phật giáo, mọi kinh điển, mọi truyền thống, thậm chí những điều được tin là phát xuất từ Đức Phật. Trong khi một phương pháp như vậy có thể đưa đến thái độ hoài nghi vô ích, nếu chúng ta giữ vững lòng dâng hiến đối với Pháp, thì những nguyên tắc của giáo dục hiện đại sẽ làm sắc bén thêm trí óc của chúng ta, giống như một con dao thép được tôi luyện trong lửa. Niềm tin của chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn; trí năng của chúng ta sẽ trở nên sắc sảo hơn; và trí tuệ của chúng ta sẽ sáng ngời và hiệu nghiệm hơn. Chúng ta cũng sẽ được trang bị tốt hơn để thích ứng Pháp với những nhu cầu của thời buổi hiện tại mà không làm giảm đi bản chất của nó.

(4) Nghiên cứu mang tính học thuật về Phật giáo cũng thúc đẩy cách suy nghĩ có sáng tạo. Điều này không chỉ truyền đạt thông tin khách quan, và nó thường không chặn đứng sự phân tích phê bình. Nó đi xa hơn và khuyến khích chúng ta phát triển sự hiểu biết sáng tạo và có gốc gác về những lĩnh vực khác nhau của lịch sử, học thuyết và văn hóa Phật giáo. Nghiên cứu học thuật về Phật giáo nhằm giúp chúng ta có thể đi đến những hiểu biết mới về những yếu tố nhân quả mà nó nhấn mạnh sự phát triển lịch sử của Phật giáo, để nhận thức rõ những mối liên hệ không được phát hiện trước đó giữa những học thuyết được nắm giữ bởi những trường phái Phật giáo khác nhau, để khám phá những hàm ý tư tưởng Phật giáo mới và những ứng dụng mới về những nguyên lý Phật giáo để giải quyết những vấn đề trong những lĩnh vực hiện thời như triết học, tâm lý học, tôn giáo so sánh, chính sách xã hội và đạo đức.

Sự ảnh hưởng lẫn nhau của việc suy nghĩ có phân tích và cách hiểu có sáng tạo thật sự là cách thức mà bản thân Phật giáo đã phát triển trong chuỗi lịch sử lâu dài của mình. Mỗi trường phái Phật giáo mới bắt đầu với sự phê bình về một giai đoạn tư tưởng Phật học sớm hơn trước đó, khai mở những vấn đề vốn có của nó, và sau đó đưa ra những cách hiểu mới như là một phương pháp giải quyết những vấn đề đó. Như vậy, nghiên cứu Phật giáo mang tính học thuật có thể góp phần đối với tiến trình phát triển có sáng tạo, sự canh tân, và sự tiến bộ mà nó đem lại kết qủa trong việc làm đa dạng hóa Phật giáo trong việc mở rộng lịch sử và địa lý.

Giáo dục Phật giáo và sự gặp gỡ giữa các truyền thống

Điều này đưa tôi đến điểm kế tiếp. Ngay từ khi Phật giáo rời Ấn Độ, những truyền thống Phật giáo khác nhau đã hưng thịnh trong những vùng địa lý khác nhau của thế giới Phật giáo. Phật giáo thời kỳ đầu, được đại diện bởi trường phái Theravada, đã hưng thịnh ở Nam Á. Thời kỳ đầu và thời kỳ giữa, Phật giáo Đại thừa đã truyền bá đến Đông Á, khai sinh những trường phái mới như Thiên Thai và Hoa nghiêm, Thiền và Tịnh Độ, mà chúng phù hợp với tâm thức của người Đông Á. Thời kỳ sau, Phật giáo Đại thừa và Kim cương thừa truyền bá đến Tây Tạng và những vùng đất khác ở Hy Mã Lạp sơn. Qua nhiều thế kỷ, mỗi truyền thống đã tách biệt khỏi các truyền thống khác, biến nó thành một thế giới riêng.

Tuy nhiên ngày hôm nay, những phương tiện thông tin hiện đại, sự vận chuyển, xuất bản sách báo đã trao cho người học từ mỗi truyền thống cơ hội nghiên cứu tất cả những truyền thống Phật giáo chính. Tất nhiên, mỗi truyền thống bản thân nó là cả một đời nghiên cứu, nhưng với sự phát triển những nối kết giữa con người trong những vùng đất Phật giáo khác, bất cứ chương trình nào trong việc giáo dục tăng sĩ nên khai mở cho sinh viên những giáo lý từ các truyền thống khác. Điều này sẽ trao cho các sinh viên một sự đánh giá rộng rãi hơn về tính đa dạng của Phật giáo, sự chuyển đổi của nó suốt theo chiều dài lịch sử; di sản triết học, văn học và nghệ thuật phong phú của nó; và khả năng ảnh hưởng sâu sắc vào con người trong những nền văn hoá khác nhau của nó như được xác định bằng những điểm nhấn mạnh của chúng. Có lẽ một chương trình giáo dục tăng sĩ hoàn hảo nên giúp cho tăng ni có cơ hội sống một năm trong một tu viện hay một trường đại học ở một quốc gia Phật giáo khác, giống như các sinh viên đại học bên ngoài thường trải qua năm học thứ ba ở nước ngoài. Học và thực hành theo một truyền thống Phật giáo khác sẽ giúp mở rộng tâm trí của họ, cho phép họ hiểu những lĩnh vực dị biệt của Phật giáo, cũng như điểm chung cốt tủy của nó.

Có thể rằng những gặp gỡ như vậy sẽ làm thay đổi diện mạo Phật giáo trong thế giới hiện thời. Nó có thể đưa đến sự thúc đẩy và thậm chí hình thành lại, qua đó những hình thức mới của Phật giáo xuất hiện từ sự tổng hợp của những trường phái khác nhau. Chí ít, nó sẽ đáp ứng như một chất xúc tác kích thích chúng ta chú ý hơn vào những khía cạnh của chính truyền thống của mỗi chúng ta mà nói chung đã được nhấn mạnh không đúng mức. Ví dụ, tiếp xúc với Phật giáo Theravada ở Nam Á, sẽ kích thích chúng ta quan tâm đến A-hàm và A-tỳ-đạt-ma nơi Phật giáo Đông Nam á. Khi các Phật tử Theravada nghiên cứu Phật giáo Đại thừa, điều này có thể kích thích họ hiểu rõ giá trị lý tưởng Bồ-tát trong truyền thống Theravada.

Thích ứng với thế giới hiện đại

Chúng ta là những tăng sĩ Phật giáo không sống xa rời quần chúng. Chúng ta là một phần của xã hội hiện đại, và một nhiệm vụ thiết yếu của giáo dục tự viện là nên dạy cách nối kết với thế giới. Từ khởi nguyên của mình, Phật giáo luôn thích ứng với những nền văn hoá mà ở đó nó hiện diện, nỗ lực chuyển đổi xã hội trong ánh sáng của Pháp. Bởi vì các tự viện thường tọa lạc tại những địa điểm tĩnh lặng, tránh xa sự bận rộn của đời sống quần chúng, nên đôi khi chúng ta tưởng rằng Phật giáo dạy chúng ta quay lưng lại với xã hội. Đây là một sự nhầm lẫn. Là tăng ni, chúng ta không nên quên những bổn phận của mình đối với quần chúng sống trong xã hội.

Ngày nay trách nhiệm của chúng ta càng trở nên cấp thiết hơn trước đây. Khi loài người nghiên cứu cách khống chế sức mạnh vật chất của thế giới tự nhiên, khả năng về sự tự huỷ diệt của chúng ta đã tăng rất nhanh. Sự khám phá năng lượng nguyên tử có thể tạo nên những thứ vũ khí mà chúng có thể tiêu huỷ toàn thể loài người chỉ cần một cái bấm nút. Mối đe dọa về sự tự hủy diệt còn tinh tế hơn thế nữa. Thế giới trở nên phân cực sâu sắc hơn giữa giàu và nghèo, với dân số người nghèo ngày càng nghèo đói trầm trọng hơn. Trong nhiều quốc gia, người giàu trở nên giàu hơn và người nghèo trở nên nghèo hơn. Hàng triệu người sống dưới mức nghèo đói, tồn tại bằng một hai bữa ăn sơ sài mỗi ngày. Nghèo đói gây ra sự oán hận, gia tăng những tình trạng căng thẳng chung và những cuộc chiến tranh sắc tộc. Trong thế giới công nghiệp, chúng ta liều lĩnh thiêu rụi những nguồn tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường, thải vào không khí nhiều khí các-bon hơn nó có thể chứa. Khi khí hậu trái đất ngày càng gia tăng ấm nóng, chúng ta có nguy cơ hủy diệt những hệ thống hỗ trợ thiên nhiên mà sự tồn sinh của con người nương tựa vào đó.

Là Phật tử, chúng ta cần phải hiểu ý nghĩa công việc ở thế giới ngày hôm nay, và thấy được Pháp có thể giúp chúng ta tránh đi sự tự huỷ diệt như thế nào. Chúng ta cần những chương trình nghiên cứu, ngay cả cho các tăng ni, mà chúng có thể vượt qua phạm vi hạn hẹp ấn định nơi lĩnh vực Nghiên cứu Phật học, và trang bị cho các tăng ni cách ứng xử với những vấn đề toàn cầu này. Tất nhiên, mục đích của giáo dục Phật giáo phải nhấn mạnh vào việc học tập những truyền thống Phật giáo truyền thống. Nhưng hệ thống giáo dục cốt tủy này cần nên được bổ sung thêm những môn học bao gồm những lĩnh vực khác, ở đó Phật giáo có thể thực hiện một sự đóng góp đáng kể nhằm cải thiện những điều kiện thế giới. Những môn học này sẽ bao gồm những chủ đề như lịch sử thế giới, tâm lý học hiện đại, xã hội học, đạo đức sinh học, giải quyết xung đột và sinh thái học, thậm chí có thể cả khoa học chính trị và kinh tế.

Với thế giới ngày nay, là tăng ni, chúng ta cần có bổn phận dương cao ngọn đuốc Pháp, để nó có thể soi sáng cho những người khổ đau sống trong bóng tối. Để có hiệu quả trong vai trò này, giáo dục Phật giáo phải trang bị cho chúng ta hiểu được thế giới. Việc phát triển giáo dục Phật giáo này có thể gặp phải sự phản đối từ những nhà truyền thống nghiêm khắc, những người nghĩ rằng tăng sĩ nên giới hạn mình nơi Nghiên cứu Phật học. Họ có thể chỉ ra rằng kinh điển Phật giáo ngăn cấm tăng sĩ thảo luận về những đề tài như “vua quan, và những công việc của nhà nước.” Nhưng chúng ta phải ý thức rằng ngày hôm nay chúng ta đang sống trong một thời đại rất khác với thời đại mà ở đó Đức Phật đã sống. Phật giáo phát triển đến tầm mức nó duy trì được sự tương thích của mình với những vấn đề của con người, và vì để duy trì sự tương thích của nó chúng ta phải hiểu những vấn đề đang đe dọa loài người ngày hôm nay và xem cách chúng ta có thể ứng dụng Pháp trong việc tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề này. Điều này đòi hỏi một sự xem xét lại một cách triệt để và nghiêm khắc những chương trình Nghiên cứu Phật học truyền thống, mà sự đổi mới như vậy là cốt yếu cho Phật giáo để tìm ra sự tương thích hiện thời của nó.

Thách thức và cơ hội cho các tỳ-kheo ni

Một trong những khía cạnh của tình cảnh hiện nay mà nó đáng đề cập tại một cuộc hội thảo về giáo dục cho Ni giới, đó là vai trò của phụ nữ trong thế giới ngày hôm nay. Như tất cả quý vị đều biết, hầu hết những nền văn hoá truyền thống, bao gồm những truyền thống nơi đó Phật giáo đã phát triển mạnh, phần lớn đều do nam giới lãnh đạo. Dù chính Đức Phật đã nâng đỡ vị thế của người nữ, nhưng khi Ngài sống và thuyết giảng suốt trong thời đại Gia trưởng thì như vậy những lời dạy của Ngài chắc chắn phải tưởng thích với quan điểm chủ đạo của thời kỳ đó. Điều này vẫn kéo tận đến thời hiện đại.

Tuy nhiên ngày hôm nay, trong thế giới hiện tại, phụ nữ đang giải thoát  khỏi quan điểm nam giới thống trị. Họ đã khẳng định những quyền giống như nam giới và đang đảm trách những vai trò tích cực hơn trong hầu hết mọi phương diện đời sống con người, từ những nghề nghiệp như luật, y, các chức vụ ở đại học, cho đến lãnh đạo quốc gia như tổng thống và thủ tướng. Đối với Phật giáo cũng vậy. Từng có một số phụ nữ đã trở thành những học giả, giảng viên và người lãnh đạo sáng ngời trong Phật giáo. Những truyền thống Phật giáo đánh mất việc truyền giới cho Tỳ-kheo ni đã được phục hồi trở lại. Và hy vọng trong tương lai gần, tất cả mọi truyền thống Phật giáo sẽ có những cộng đồng hưng thịnh với các Tỳ-kheo ni thọ cụ túc giới.

Đã đến lúc phụ nữ vượt ra khỏi vai trò thứ yếu của họ trong truyền thống Phật giáo và đứng cùng với nam giới như là những người thầy, những diễn giả, học giả và những nhà hoạt động. Điều này áp dụng cho ni giới cũng như cho các nữ cư sĩ. Nhưng then chốt đối với sự phát triển phụ nữ, trong đời sống tu viện cũng như đời sống cư sĩ, là giáo dục. Do đó, điều cần thiết đối với các tỳ-kheo ni là họ cần có một tầm mức học vấn ngang bằng với các tỳ-kheo tăng trong Tăng đoàn. Họ nên phát triển năng lực trong mọi lĩnh vực giáo dục Phật giáo – trong triết học, văn hoá và lịch sử Phật giáo, cũng như trong việc ứng dụng Phật giáo vào những vấn đề của xã hội hiện đại. Tôi chân thành hy vọng rằng hội thảo này, mà nó đưa các vị ni và những nhà giáo dục từ nhiều truyền thống lại với nhau, sẽ đóng góp vào mục đích này./.

Thích Nguyên Hiệp dịch


Bài thuyết trình tại Hội thảo “Giáo dục Tăng già Phật giáo”, được tổ chức tại Đài Bắc, Đài Loan vào ngày 30-31 tháng 5/2009.

Hiển thị thêm
Back to top button