Tỳ kheo Thích Bảo Lạc: Theo dấu chân hạnh nguyện Phổ Hiền

Đang sống thời kỳ pháp nhược, ma cường, vàng thau lẫn lộn, tâm tánh con người ngày càng hung hiểm, ác độc, đa mưu, lắm trí, xảo quyệt khôn lường dễ gây ác nghiệp. Văn minh hiện đại dù có tiến bộ đến mức nào, phương tiện đời sống vật chất cho dù cải thiện ra sao, một khi nhân ác chưa trừ diệt, nhân loại vẫn cứ phải thống khổ triền miên, thế giới vẫn không có hòa bình thật sự. Hiện tại, ngành truyền thông đã đạt đến đích điểm cao; việc toàn cầu hóa giữa các quốc gia để có sự hợp tác, hổ tương nhau trong các lãnh vực: kinh tế, chính trị, quân sự, quốc phòng, viễn thông, môi sinh, y tế v.v.. trong ngắn hạn và dài hạn.

Đường hướng kế hoạch đề ra tuy có hay đẹp tuyệt vời, trên thực tế ta đang gặp vô số trở ngại khó khăn không ít, nên sự tấn thoái cũng khó thể định liệu. Tại sao lại xảy ra những việc mâu thuẫn ấy?

– Vì tâm con người lòng tham không đáy không lường trước được mọi hậu quả do ác nghiệp tạo ra.

– Do vô minh ta chỉ biết có một mà không biết được mười.

– Lòng nghi kỵ nhau khó mà san bằng hố ngăn cách.

– Sự khác biệt địa lý, lịch sử, văn minh, văn hóa, tôn giáo, phong tục, tập quán v.v.. là rào cản chắn lối.

– Ta chưa tự kiểm soát được chính mình, nên dù tài giỏi tới đâu cũng chỉ được đón nhận có giới hạn.

Như lời đức Phật dạy: “Chiến thắng muôn quân không bằng tự thắng mình; tự thắng mình mới là chiến công oanh liệt nhất” Những chi tiết sau đây giúp ta tự suy ngẫm, quán chiếu theo tinh thần tự giác của người học Phật.

I. Nhân duyên thù thắng:

Hòa thượng Tịch Tràng viện chủ Tổ đình Linh Sơn-Vạn Giả (Vạn Ninh) tỉnh Khánh Hòa-Nha Trang, chuyên tu pháp môn Tịnh Độ, lạy Ngũ Bách Danh mỗi lần 500 lạy luôn một mạch không nghỉ. Mặc dù tuổi cao, Ngài chỉ ăn ngày một bữa và việc tu tập vẫn kiên định trong khi đối với chúng (Tăng sinh), Ngài cho lạy mỗi lần một trăm lạy mà chúng vẫn cảm thấy mệt nhoài không chịu nỗi. Hòa thượng hết lạy Ngũ Bách Danh đến lạy Tam Thiên Phật, Vạn Phật… rất tinh chuyên. Do tiền duyên, Ngài lập gia đình trước khi xuất gia. Việc xuất gia của Ngài cũng là điều hy hữu cần suy nghĩ, học hỏi như sau: Ngài là giáo sư dạy Pháp văn ở Đà Nẵng và thường lui tới khuôn hội An Lạc (Đà Nẵng) tụng kinh, lễ Phật trong vai trò chủ lễ hướng dẫn Phật tử. Sanh được hai người con: một trai và một gái; bé gái khi sanh ra đã ba ngày mà không khóc, lúc đó Ngài đang dạy học tại Đà Nẵng, được mẹ báo tin này, Ngài gấp về nhà tại Lỗ Giáng (Điện Bàn) cho hái một trái dừa xiêm, một nắm bông phượng và thiết bàn thờ giữa sân, thắp ba cây nhang rồi đứng khấn vái như sau: “Xin đức Quán Thế Âm có linh thiêng cho con nhỏ nó khóc”.

Ngài dùng một chén nước nhỏ sau khi đã chú nguyện và tụng xong kinh Phổ Môn và phát nguyện: “Nếu đứa bé khóc thì khuya nay lúc 4 giờ, con sẽ lên đường xuất gia”.

Đâu đó xong, Ngài đem chén nước nhỏ cho  em bé ba giọt nước, bé gái chợt khóc ngay. Liền đêm đó, Ngài sắp đặt hành trang đi tu mà trước đó Ngài đã cho bằng hữu, đạo hữu hay tin này. Lúc 4 giờ sáng Ngài từ giả người thân ra Đà Nẵng đón tàu lửa vào Saigon đi biệt tích. Sáng ra gia đình đi tìm khắp vẫn không thấy Ngài đâu cả. Người thân mong nhớ và luôn trông đợi Ngài trở về nhưng càng ngày càng biệt vô âm tín. Tại Saigon, Ngài gặp được Hòa Thượng Nhẫn Tế và sau đó hai Ngài cùng đi Nam Vang (Campuchia). Hòa Thượng gởi Ngài tại một ngôi chùa nhỏ bên Nam Vang, rồi đi chiêm bái Phật tích Ấn Độ thời gian 6 tháng mới trở về. Trong lúc Hòa Thượng đi vắng, tại Chùa có một nữ Phật tử công quả, cô ta cứ theo trêu chọc khuấy phá Ngài phá giới, nhưng Ngài vẫn quyết tâm tu không giải đãi. Sau khi Hòa Thượng Nhẫn Tế trở về mới dẫn Ngài đi chùa khác tu niệm. Ở Cao Miên một thời gian độ 3, 4 năm, hai Ngài trở về Saigon. Tại Saigon, Ngài Tâm Thanh-Tịch Tràng (1919-1976) ở chùa Thiên Chơn-Thủ Dầu Một-Bình Dương tu niệm, hành trì. Năm 1941, Hòa Thượng Thích Quảng Đức (1897-1963), trú trì cổ tự Linh Sơn (từ 1940-1944) Vạn Ninh, Khánh Hòa, vào tận Bình Dương thỉnh Hòa Thượng Tâm Thanh-Tịch Tràng về trú trì chùa Linh Sơn (từ năm 1944)-Khánh Hòa, còn Hòa Thượng Thích Quảng Đức rời Nha Trang vào Nam (1948) vân du hành đạo khắp các nơi Saigon, Gia Định đến các tỉnh Tây Ninh, Hà Tiên trong cước chân hoằng hóa của Ngài. Từ khi trú trì Tổ đình Linh Sơn, Ngài nỗ lực tu trì, hạnh tu của Ngài được chư tôn Tăng già và Phật tử khắp nơi hâm mộ, biết tiếng. Do đó, Thầy Thông Đạt từ chùa Non Nước tìm đến Tổ Đình Linh Sơn (1960) xin nương Ngài làm y chỉ sư. Noi gương Ngài, Thầy dốc lòng tu niệm, chẳng bao lâu cũng được nhiều người biết được hạnh tu của Thầy. Do vậy, Thầy được Phật tử mời về trú trì chùa Long Hòa, Vạn Ninh, Khánh Hòa-Nha Trang từ năm 1973-1987 (trong đó có 2 năm tu núi năm 1975-1977) cho tới ngày vượt biên 1988. Trong khi ở chùa Linh Sơn, một hôm Hòa Thượng trù trì hỏi Thầy Thông Đạt:

– “Con có biết Lỗ Giáng không?”

– “Bạch, con có biết”.

Ngài bảo: “Con chịu khó tìm cách liên lạc gia đình Thầy ở đó!”. Vâng lời Thầy y chỉ, Thầy tìm ra Lỗ Giáng hỏi thăm và tìm được nhà. Thầy bước vô nhà liền thấy trên bàn thờ-ngăn kế bên-thờ hình chân dung Hòa Thượng Linh Sơn. Thầy Thông Đạt bèn hỏi cụ bà thân sinh Hòa Thượng, hình đang thờ trên bàn thờ là chi của cụ? (liên hệ thế nào với cụ?).

Bà cụ trả lời:

– “Người này là con tôi, đã mất tích mấy chục năm nay rồi!”, chú có biết tin tức không?

Thầy Thông Đạt trả lời:

– Có biết, hiện Thầy đang trụ trì ngôi Tổ Đình Linh Sơn tại Khánh Hòa-Nha Trang.

Nghe vậy, bà cụ mừng xúc động và tiếp:

– Mấy mươi năm nay tưởng chết rồi, nào ngờ nó lại còn sống, đi tu!

Và bà cụ hỏi:

– Khi nào chú về lại Nha Trang, tôi cùng đi với!

Hôm sau, bà cụ cùng với Thầy đi vào Nha Trang gặp được Ngài, bà ôm choàng lấy con khóc nức nở trông thật hết sức cảm động. Sau Hòa Thượng khuyến khích được mẹ ở luôn lại chùa Linh Sơn tu học cho tới ngày quá vãng.

II. Những việc thoại ứng:

Trong khi trì tụng kinh thấy sự diệu dụng, cảm ứng của phẩm kinh. Điều này các bậc tiền bối từ ngàn năm trước đã thực hiện chứ không phải mới lạ gì. Như Ngài Bát Lăïc Mật Đế đem kinh Thủ Lăng Nghiêm khỏi Ấn Độ, Ngài đã phải xẻ thịt dấu nơi hai bắp vế dùng lụa mỏng viết kinh nhét vào mới đem được đến Trung Hoa. Vì bộ kinh quý này bị cấm không cho lưu hành ra nước ngoài. Khi bản kinh đến Trung Hoa, vì trải qua nhiều ngày nên bị máu mủ làm lem luốt chữ không thể đọc được rõ khi mở ra, và được bà hoàng hậu Trung Hoa dùng chất nước tẩy đặc biệt tẩy sạch các vết bẩn mới có được bản kinh nguyên vẹn như bản ta đọc tụng, nghiên cứu ngày nay.

Do vậy, Hòa Thượng trả lời:

“Phát nguyện chép kinh không ai cản, nhưng phải quyết tâm thực hành cho được tín nguyện”.

Thầy trả lời:

“Con đã sẵn sàng phát tâm, xin Hòa Thượng cho con quyết định thực hành”.

Nhân kỳ kiết đông 3 tháng năm Tân Sửu (1961) vào dịp lễ vía Phật A-Di-Đà 17-11 âm lịch, Thầy phát nguyện đốt ngón tay út bàn tay phải để nhập thất niệm Phật, trì kinh Pháp Hoa. Đốt bằng ống trầm trong 2 tiếng đồng hồ hai lóng tay cháy rụi rơi rớt xuống thành tro. Nên nay ngón tay út bàn tay phải của Thầy chỉ còn lại một lóng trong cùng. Trong lúc đang đốt tay sức nóng chạy về tim, và ngực cảm thấy phát lạnh một vùng lớn như dĩa bàn úp lại. Sau đó, sức nóng từ tim tỏa ra khắp toàn thân lên tới đỉnh đầu, ngón tay vẫn đang cháy xèo xèo. Khi ống trầm cháy hết thì 2 lóng tay cũng vừa tiêu sạch, vết xém cháy còn dính mối giáp liên nơi đầu lóng tay còn lại, Thầy dùng lưỡi dao lam gọt sạch, rồi lấy bớt lớp thịt bên trong để lòi lớp da dư và lấy kim chỉ trong ống thuốc, miệng ngậm một đầu chỉ, dùng tay trái khâu da và miệng siết chặt sợi chỉ để khỏi nhiễm trùng, chảy máu. Lúc khâu chỉ may lại vết cắt Thầy cảm thấy bình thường như không có việc gì xảy ra, đoạn lấy bột cháy ấy rắc lên vết thương. (viết theo lời tường thuật lại của chính tác giả lúc 21 giờ ngày 22-2-06 tại chùa An Tường, Oakland, Cali-Hoa Kỳ).

Sau khi tả kinh A-Di-Đà cũng bằng máu của chính Thầy vào năm 1966 lúc ra thất sau thời gian 5 năm (1962-1966) mà Thầy phát nguyện thọ trì kinh Pháp Hoa, cũng như lạy kinh Pháp Hoa mỗi chữ một lạy xong, Thầy lại phát nguyện đốt tiếp ngón út bàn tay trái. Lần này đốt nguyên trọn ngón 3 lóng tay cháy trong 3 tiếng đồng hồ, sau khi vừa tụng ba cuốn chót: 5, 6 và 7 bộ kinh Pháp Hoa để hồi hướng và ra thất. Thời gian ra khỏi thất, Thầy luôn khát ngưỡng giới Bồ tát và xin Ngài Linh Sơn truyền trao, nhưng Ngài khuyên nên lạy Tam Thiên đến khi nào có thoại ứng (ứng hiện điềm lành) là đắc giới. Thầy vâng lời Hòa Thượng và lạy tới bộ thứ bảy khoảng 21000 lạy, ban đêm nằm mơ thấy chư Tăng hiện trước mặt rất đông. Trong đó có một vị chủ quản trông nghiêm khắc quở phạt đánh Thầy và bảo rằng: “tu hành sao miệng nói không đúng phép tắc”. Tiếp theo sau đó, Thầy lạy Phật từ bộ thứ 8 đến bộ 20 cũng thấy nhiều điềm lạ, và Thầy nhiều lần bị đánh đập dữ dội. Một hôm vào giờ ngọ trai Thầy thấy mình đang đứng trước một ngôi chùa lạ, ở trước hàng ba ngôi chùa đó và nói lớn:

“Nam Mô A-Di-Đà Phật mời chư Tăng thọ trai”, liền bị vị chủ quản đánh thẳng tay, đuổi ra và nói: “tu hành sao không có lễ độ, vì chư tăng trong số có các bậc hiền thánh”.

Lúc đó toàn thể chư Tăng nói rằng: “xem vậy, nhưng từ từ nó sẽ học hỏi, xin Ngài đừng có nghiêm khắc quá!”

Lạy từ bộ 20 tới bộ 25 (từ 60,000-75,000 lạy) Thầy cảm thấy tâm tánh mình hiền hòa dễ thương. Riêng bộ 26 (76,000-78,000 lạy) Thầy cảm thấy chư Tăng và Phật tử cầm hoa sen, hoa huệ và nhiều loại hoa lạ đang đi trên đường, Thầy tới chận họ lại hỏi: “Quý vị đi đâu?”

Họ trả lời: Đi dự hội Linh Sơn.

– Thầy nói: Nếu đi hội Linh Sơn, xin cho tôi đi cùng!

Họ nói: Một đời mới có một lần, ông có đi thì đi. Lúc ấy Thầy thấy mình cũng cầm trên tay cành hoa lạ cùng đi đến hội Linh Sơn. Lúc ấy, Thầy thấy Hòa Thượng Linh Sơn (H.T.Tịch Tràng) đã đứng sẵn tại đó và bảo: con đi vô bên trong để hành lý.

Ở ngoài nhìn vào thấy trống trơn, nhưng bước vào trong thấy bốn vách và giày dép để có ngăn nắp thứ tự. Thầy bước lên bực cấp tới một giảng đường to lớn, Ngài Linh Sơn chỉ vào trong và nói:

-“Con vào Đại Giới đàn đó thọ giới”. Thầy thấy ba vị ngồi giữa, vị chính giữa nói:

-“Nay trao giới cho ông là giới của Bồ tát: 10 giới trọng và 48 giới khinh; nay chỉ nói lược, ông về thưa lại Ngài y chỉ mà học cho thông suốt để hành trì. Lúc bấy giờ Thầy chợt mở mắt lại không thấy gì hết.

Năm 1963, Thầy thọ Tỳ kheo giới, với pháp hiệu Thanh An, tại đại giới đàn chùa Giác Nguyên quận tư-Saigon do Hòa Thượng Thích Hành Trụ làm Đàn chủ, được sự giới thiệu của y chỉ sư cùng với 5 huynh đệ khác cũng từ chùa Linh Sơn-Vạn Giã, vô thọ Đại giới cùng một lúc. Hội đồng giới sư của Đại giới đàn này như sau:

– Đàn Đầu Hòa Thượng: Hòa Thượng Niết Bàn (hiệu chùa)

– Yết Ma A Xà Lê: Thượng Tọa Thích Thiện Hòa

– Giáo Thọ A Xa Lê: Thượng Tọa Thích Thiện Hoa

– Tuyên Luật Sư: Thượng Tọa Thích Trí Thủ.

Đại giới đàn trong ba ngày 17,18 và 19 tháng 6 năm Quý Mão (1963) nhân mùa an cư kiết hạ và nhằm lễ vía Quán Âm Bồ Tát. Tối hôm thọ giới Tỳ kheo là thọ giới Bồ tát; trong khi các giới tử Tỳ kheo khác đều thọ, riêng Thầy Thanh An không thọ, và đắp y thưa Hòa Thượng Hành Trụ rằng: “con đã phát nguyện lạy Tam Thiên Phật được những thoại ứng, và đã được Thầy y chỉ con trao giới Bồ Tát rồi.

Hòa Thượng bảo: “dù đã thọ giới, nhưng chưa có giới đàn hẳn hoi, nay nên thính giới để được thanh tịnh”

III-Phát nguyện tả kinh (Hoa Nghiêm, Hạnh Nguyện Phổ Hiền)

Ảnh hưởng hạnh tu của bổn sư y chỉ và đại chúng chùa Linh Sơn, Thầy Thanh An (lúc bấy giờ là Đại Đức) phát nguyện tả (chép) phẩm kinh bằng máu của mình, đã được chấp thuận, Thầy viết liên tục trong 10 ngày đêm với 5,684 chữ gồm các phần sau:

       1-Tựa Kinh và Bài Kệ Khai Kinh 41 chữ
       2-Phần Kinh Chánh: 5,521 chữ
       3-Bổ Khuyết Chơn Ngôn: 113 chữ
       4-Đề Bìa Kinh:   9 chữ
       5-Một hoa sen vẽ ở đầu quyển Kinh và một lá sen ở cuối quyển cũng viết bằng máu. Hai hình này không thể tính ra bao nhiêu chữ chính xác.

Thầy phát nguyện chép phẩm kinh gần 6,000 chữ với tâm chí thành nên trong lúc tả kinh không có việc gì trở ngại, là nhờ lực gia trì của Tam Bảo, Long Thiên, Hộ pháp nên được thành tựu như ý nguyện. Dù vậy, lúc tả kinh xong do thiếu máu nên bị xây xẩm mặt mày, Thầy tâm thành cầu nguyện và uống nước chanh nên chẳng bao lâu sức khỏe hồi phục như cũ.

Đây là đại nguyện có thể nói thời đại khoa học ngày nay ít có ai theo kịp công hạnh nhẫn nhục tu trì của Thầy. Chúng ta đang sống trong thời đại nhiễu nhương, tai ương, hoạnh họa, khủng bố, dịch bệnh, ung thư, truyền nhiễm, động đất, sóng thần, bão lụt v.v…xảy ra khắp mọi nơi trên thế giới. Nói như nhà sư Matthieu Ricard người Pháp rằng: “Khoa học chỉ là một đóng góp lớn lao cho những nhu cầu thứ yếu. Con người tự hào về khoa học càng ngày càng phát triển, khám phá những hành tinh mới, nhưng nhìn lại cho kỹ, có đáng tự hào không, khi càng văn minh càng chém giết nhau dữ dội, tội ác càng gia tăng, tai họa càng khủng khiếp hơn bao giờ hết?…” (Nhà sư và Triết gia của Matthieu Ricard). Do những hào quang khoa học, có thể có người không tin nổi đây là việc có thật. Riêng tôi, nhìn nơi hai bàn tay mất một ngón út và một mất 2 lóng tay cũng ngón út của Thầy Thanh An, lòng dâng lên một tâm cảm xúc động, bái phục. Xúc động, vì lẽ Thầy Thanh An đã hy sinh thân thể một phần của mình cho hạnh nguyện cao đẹp mà một tăng sinh xuân trẻ như Thầy lúc đó quả thật có mấy người? Bái phục bởi sức chịu đựng dẻo dai của Thầy Thanh An quá siêu tuyệt! Nếu không do nguyện lực, ý chí và niềm tin kiên thật của một người, chắc gì chúng ta dám động tới sợi lông chân! Niềm tin dũng mãnh như lửa thử vàng Thầy vượt qua tất cả mọi thử thách để hoàn thành tâm nguyện, sao không bái phục cho được? Phải nhìn nhận đây là nhân duyên hội ngộ Thầy Thanh An trong niềm hoan hỷ và Tôi đã có đủ thời giờ trao đổi với Thầy nhiều Phật sự quan trọng, trong đó chúng tôi có bàn đến công cuộc hoằng pháp, việc duy trì phát triển Phật giáo Việt Nam hải ngoại. Thay vì bay thẳng tới phi trường Los Angeles, tôi lại chọn chuyến bay tới San Francisco sáng ngày 22-2-06. Buổi chiều tôi bắt đầu ngồi lại với Thầy Thanh An và trao đổi nhau trong tình huynh đệ thật tâm đắc, trong đó có câu chuyện tả kinh này.

 Trình bày được nữa câu chuyện tả kinh Thầy đi vào bên trong lấy ra bản kinh ấy cho tôi xem, như Thầy đã hứa qua điện thoại viễn liên mấy tháng trước đó, kinh mang tặng cho tôi. Thật là cảm động, được sư huynh gởi trao món Pháp bảo như món quà thanh quý không còn gì quý bằng! Với tấm lòng trân quý tác phẩm vô giá ấy, tôi cố gắng bảo quản tốt để cho nhiều người sau này hiểu được thế nào là ý nghĩa “thọ trì” kinh theo lời Phật dạy. Nhìn qua hạnh tu, và công việc chép kinh của Hòa Thượng Thanh An để so sánh các bậc đạo sư tiền bối qua sự hy hiến cho tiền đồ đạo Pháp cả một gia tài đồ sộ vô giá mà hàng hậu bối như hờ hững vai trò và trách nhiệm trong sứ mệnh cao cả của mình.

IV-Pháp Bảo hằng sáng mãi:

Thật ra, phần này là của tác giả tả bộ kinh như tôi đề nghị rằng Thầy có ý kiến gì về quyển kinh nên ghi lại mấy lời thủ bút tâm đắc, cho người sau còn nhìn ra bút tích người viết. Thầy cho hay, thôi được rồi, Tôi chỉ muốn tặng Thầy Bảo Lạc thôi, còn ghi thêm lời mà làm gì nữa. Tôi liền nhắc lại, năm rồi Thầy tặng tôi bộ kinh A-Di-Đà (xem lại bài: “Vị sa môn tu hạnh đầu đà” đăng báo Pháp Bảo số 70 năm 2004) nơi trang chót đề tặng tôi, Thầy viết mà, sao lần này Thầy không sẵn sàng viết? Thầy cho hay rằng, càng đơn giản càng tốt, Tôi tặng Thầy là đủ rồi. Thế mà trước hôm Tôi về, tối đó (25-2-06) Thầy Thanh An bảo đưa cuốn kinh lại cho Thầy viết ngày tháng và ký tên lưu niệm.

Theo lời tác giả, bộ kinh đã được cất giữ kỹ nơi nhà thờ từ đường của cha mẹ tại làng Mỹ Khê-Sơn Trà-Đà Nẵng trong thời gian hơn 40 năm qua, cho đến năm 2005 Thầy Thanh An về quê mới đem kinh sang Mỹ. Tính tới nay bộ kinh có số tuổi 44 tính từ năm viết (1961-2005) theo chiều dài, nhưng ở Hoa Kỳ chưa đầy một năm và với Úc lại là thời gian mới bắt đầu. Dù thời gian tồn tại cuốn kinh lâu mau, ngắn dài không cần biết, tuy có điều là cả hai chúng tôi không ai sống thọ bằng khoảng thời gian cuốn kinh hiện hữu. Vì Thầy Thanh An tuổi Tân Sửu (70 tuổi), còn tôi tuổi Nhâm Ngọ (65 tuổi) cũng chỉ sống chừng mười 15 năm nữa là cùng mà không còn tồn tại lâu nơi cõi đời này.

Và tôi sẽ cố gắng giữ gìn kinh để khỏi phụ tấm lòng sư huynh đã ân cần trao gởi lại trong tình Linh Sơn cốt nhục. Nguyện Phật lực mười phương luôn gia bị Thầy thân tâm an tịnh, phước trí nhị nghiêm, Bồ Đề quả mãn, Phật đạo viên thành.

IV. Vài điều nhận xét:

Chắc hẳn một điều là chúng ta trong cuộc sống tương đối, cạnh tranh sanh tồn vì miếng ăn, chỗ ở ta không nương tay, nếu thấy người khác hơn mình về một khía cạnh nào đó, liền tìm mọi cách xỏ xiên, sát phạt, hạ bệ, hay nếu cần thủ tiêu cho bằng được mới thôi mà không cần biết luật tương tranh giữa trận thư hùng ác liệt giữa hai con mãnh thú. Kết quả thắng hay bại cả hai đều bị thương tổn không sao tránh khỏi. Ngay cả mặt tư tưởng, tôn giáo, triết học, khoa học… cũng vậy, không ai chịu yếu kém, thấp cơ hơn người khác. Do mặc cảm tự tôn hay lòng tự hào quá đáng, con người đã gây ra bao nhiêu tranh chấp, chung cục lại chỉ muốn độc thiện, độc tôn, độc tài, độc đảng, độc thần trong cái nghĩa hoàn bích (perfect). Việc tranh chấp về mặt tư tưởng và nhất là về tôn giáo biết đâu không là một điều may mà trước mắt có thể đó cũng là một hiểm họa cho nhân loại hiện nay. Con người nhân danh đấng tạo hóa sát hại nhau hàng loạt không chút nương tay qua những cuộc chiến tranh diệt chủng mà cuộc chiến Iraq vẫn đang còn tiếp diễn… Những cuộc đi đêm giữa các cường quốc, những trận đấm đá nhau trên chính trường của những tay chính trị hoạt đầu để lộ nguyên hình cái dã tâm ô trược của con người là một ví dụ điển hình. Con người dù hung bạo đến đâu cũng chỉ bằng con sư tử gầm mồi là cùng! Nhưng rốt cuộc lại nó không địch nổi lại con vi trùng li ti nằm ngay trong thân xác nó.

Hỡi những con người tài ba, trí lực của nhân loại hãy tu tĩnh để những phát minh, khám phá mới của quý vị mới thật sự có giá trị để phục vụ nhân sinh, điều mà ta không thể phủ bác được đức Phật Thích Ca Mâu Ni giáo chủ đạo Phật là một nhà đại khoa học siêu việt qua mọi lãnh vực vũ trụ, nhân sinh, khoa học, kỹ thuật, ngôn ngữ, văn minh qua không thời gian.

(Viết tại chùa An Tường-Oakland-California, Hoa Kỳ
Ngày 24-2-2006 (27-1-Bính Tuất)
Tỳ kheo THÍCH BẢO LẠC

Hiển thị thêm
Back to top button