Tỳ-kheo Thích Đỗng Minh dịch: Tứ Phần Luật

TỨ PHẦN LUẬT

四分律
PHẦN THỨ NHẤT
Quyển 1
Hán dịch:
Tam tạng Phật-đà Da-xá và Trúc-phật-niệm
Việt dịch:
Tỳ-kheo Thích Đỗng Minh
Tỳ-kheo Thích Đức Thắng
Hiệu chính và chú thích:
Tỳ-kheo Thích Nguyên Chứng


LỜI GIỚI THIỆU

 

Nhân ngày tiểu tường của Hòa thượng, các đệ tử và môn đồ phát nguyện ấn hành Luật Tứ phần để tưởng nhớ ân đức giáo dưỡng tài bồi, và cũng ước mong hoàn thành một phần tâm nguyện của Hòa thượng mà suốt đời đã cống hiến cho sự nghiệp đào tạo Tăng tài, hoằng truyền Luật tạng làm y chỉ cho sinh hoạt ổn định của Tăng già hòa hiệp và thành tịnh, đồng thời góp phần duy trì nền tảng đạo đức xã hội.

Kính nguyện Giác linh Hòa thượng chứng tri.

Vạn Hạnh, 2550
Lê Mạnh Thát


TỰ NGÔN

 

Bản dịch Luật Tứ phần ấn hành lần thứ nhất PL 2546 (2002) chỉ mới gồm 30 quyển trong bản Hán, phân thành ba tập, nội dung thuyết minh giới pháp Tỳ-kheo (tập1 & 2), và giới pháp Tỳ-kheo-ni (tập 3), phổ biến giới hạn trong các giảng khóa và các trường Luật để làm tư liệu học tập, nghiên cứu Giới bổn Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni. Mặc dù đã có rất nhiều cố gắng để ấn hành tiếp các phần còn lại, nhất là trước khi Hòa thượng dự tri thời chí; nhưng do điều kiện hoàn cảnh cho nên công việc ấn hành chưa được hoàn tất. Ngay sau ngày Hòa thượng xả bỏ thắng dị thục thân, các đệ tử, các học trò môn hạ của Hòa thượng tập trung nỗ lực hoàn tất các sự việc còn lại để ấn hành kịp trước ngày Đại tường.

Hòa thượng là một số rất ít trong các Tỳ-kheo trì luật của Tăng-già Việt Nam kể từ khi Phật giáo được trùng hưng, Tăng thể được chấn chỉnh và khôi phục. Thế hệ thứ nhất trong phả hệ truyền thừa Luật tạng của Tăng-già Việt Nam thời trùng hưng hiện đại bao gồm bóng mờ của nhiều bậc Thượng tôn Trưởng lão, uy nghi đĩnh đạc nhưng khó hình dung rõ nét đối với các thế hệ tiếp bước theo sau. Các Ngài xứng đáng là bậc Long Tượng trong chốn tòng lâm, mà đời sống phạm hạnh nghiêm túc, phản chiếu giới đức sáng ngời, tịnh như băng tuyết, mãi mãi ghi dấu trên các nẻo đường hành cước, tham phương, hoằng truyền Chánh pháp.

Trước sự phá sản của các giá trị đạo đức truyền thống càng lúc càng trầm trọng diễn ra cho các cộng đồng xã hội đang mất dần tính tự chủ, dễ bị tha hóa theo những giá trị vật chất; những tín điều đạo đức tôn giáo mới càng lúc càng trở thành tiêu chuẩn cho văn minh tiến bộ theo hướng vật dục và nuôi dưỡng tinh thần cuồng tín và kỳ thị. Sự phá sản tinh thần không chỉ xảy ra trong một phạm vi xã hội, mà nó lan dần đến cả trong sinh hoạt Thiền môn. Thanh quy của Thiền môn chỉ còn là một lớp vỏ, mà lại là lớp vỏ rách nát không đủ che đậy những dấu hiệu thoái hóa. Tăng-già đang trên chiều hướng tục hóa, có nguy cơ trở thành một cộng đồng ô hợp tồn tại chỉ vì quyền lợi vật chất thế gian. Trên những lối đi đầy gai góc của rừng Thiền bấy giờ, vẫn luôn luôn ẩn hiện những dấu chân Long Tượng dấn bước tìm lại lối mòn cổ đạo đồng thời thuận hướng với trào lưu lịch sử của đất nước và nhân loại. Đó là những bước đi tái khai phá, dò dẫm một cách thận trọng.

Trong trào lưu lịch sử đó, hòa thượng là vị trì luật của thế hệ thứ hai; thế hệ mà căn bản của cơ chế Tăng-già Việt Nam đã tương đối ổn định lần hồi. Các Tăng sự thường hành như thuyết giới, an cư, tự tứ, truyền giới được tuân thủ có nền tảng như quy định trong Luật tạng; mặc dù sự hành trì nghiêm túc chỉ giới hạn trong các Phật học đường hay Phật học viện trong ba miền Bắc, Trung, Nam. Cho đến khi Tăng già Việt Nam trưởng thành để hòa nhập vào các cộng đồng đệ tử Phật trên khắp thế giới, bấy giờ vấn đề đối chiếu, tham chiếu các điều khoản học xứ, các Tăng sự thường hành, các nguyên tắc khai-trì-già-phạm, được đặt ra trong các hệ truyền thừa Luật Nam và Bắc phương. Từ những đồng và bất đồng giữa hai hệ, những gì thuộc căn bản Phạm hạnh, những gì do ảnh hưởng bởi sự phát triển các định chế xã hội trên nhiều khu vực địa lý khác nhau trong đó Tăng-già tồn tại, bấy giờ từ những giá trị chung, những nguyên lý căn bản giữa hai hệ Nam Bắc, hình ảnh Tăng-già đệ tử Phật được xác định, tuy chưa thể hợp nhất trong một hướng hành trì, điều khó có thể xảy ra do điều kiện khách quan bởi sự phát triển các xã hội và giao hưởng của các nền văn minh nhân loại dị biệt.

Chính trong điều kiện và bối cảnh xã hội này, hình ảnh Hòa thượng thường xuyên xuất hiện trong các Tăng sự thường hành giữa hai hệ truyền Luật Nam Bắc, hoặc chính thức, hoặc dự khán. Hòa thượng có kể lại cho chúng tôi nghe những lần Hòa thượng được phép dự khán để quan sát Tăng-già Nam phương tác pháp yết-ma; trong đó sima hay cương giới được ấn định sao cho sự dự khán của Hòa thượng không làm cho Tăng yết-ma bị nghi là phi pháp, phi luật. Những điểm tế nhị như vậy trong sinh hoạt Tăng-già không phải là điều dễ cảm nhận đối với những ai không trực tiếp dự phần hay được nghe từ chính người trực tiếp dự phần; và do đó cũng tương đối khó khăn để lý giải bản thể thanh tịnh và hòa hiệp của Tăng-già.

Chính do nỗ lực suy tầm, suy cứu, bằng tư duy lý luận, hoặc bằng thực tế hành trì, tham vấn, mà Hòa thượng phát hiện một số điều rất quan trọng trong ngôn ngữ diễn đạt của Luật. Xét ra, về mặt văn tự, đây tuy chỉ là chi tiết nhỏ, nhưng xét từ góc độ tư duy triết học Luật, nó bộc lộ sự nhận thức về hiệu lực của Tăng yết-ma, mà nói theo A-tì-đàm, hiệu lực của ngữ biểu nghiệp. Chúng ta hãy phân tích một vài liên hệ chi tiết này.

Thông thường, kết ngữ trong các yết-ma theo hầu hết các dịch giả Hán đều nói: “Thị sự như thị trì”. Kết ngữ này được hiểu phổ thông, và phổ biến, theo ngôn ngữ Việt như sau: “Việc ấy như vậy mà hành trì (hay thọ trì)”; hoặc có vị giải rằng “Việc ấy cứ như vậy mà suốt biết.” Trong cách hiểu này, từ Hán trì, theo ngữ pháp nó là động từ, chủ ngữ của nó như vậy được hiểu là tất cả Tỳ-kheo hiện diện, nghĩa là ngôi thứ nhất hoặc ngôi thứ ba, số nhiều nếu là động từ mệnh lệnh cách. Vấn đề ngữ pháp như vậy thật đơn giản; điều còn lại cần làm là dịch thế nào để động từ trì chuyển tải đầy đủ ý nghĩa. Tuy nhiên, vấn đề không hẳn đơn giản như vậy. Vị Trưởng Lão đầu tiên đặt lại vấn đề ngữ pháp để xác định lại chủ ngữ có lẽ là hòa thượng Trí Quang, theo như điều mà hòa thượng Đỗng Minh thuật lại. Bởi vì khi đối chiếu với cách dịch của Luật sư Nghĩa Tịnh, kết cú yết-ma này nói: “Thị sự ngã như thị trì.” Chủ ngữ là ngôi thứ nhất, số ít. Nhưng điều này gây nên khó khăn trong hai khía cạnh. Về ngữ pháp, những vị không hề có ấn tượng tối thiểu về tiếng Phạn khó có thể hội thông giữa hai cách dịch, một đằng gần như đương nhiên dẫn đến cách hiểu chủ ngữ là ngôi thứ nhất hoặc ngôi thứ ba số nhiều; một đằng khẳng định chủ ngữ ở ngôi thứ nhất, số ít. Về nội dung, ý nghĩa cần minh giải ở đây là, trách nhiệm chấp trì, hay chấp hành, pháp yết-ma mà Tăng đã công bố thuộc về ai: cá nhân hay tập thể? Kết ngữ của yết-ma như vậy nêu lên vấn đề tư duy triết học Luật ở đây: kết ngữ này là xác định trách nhiệm chấp hành quyết định của Tăng,hay kết ngữ này xác định thẩm quyền công bố quyết định của Tăng thuộc về ai, như người ta thường thấy trong các hội nghị. Từ đó dẫn đến vấn đề hiệu lực của yết-ma.

Chính vì không thể đi đến một kết luận thống nhất, hòa thượng Đỗng Minh tự thân đi tham khảo các Trưởng lão trì luật thuộc hệ Nam phương. Trong hệ Luật Pāli, kết cú yết-ma này không có vấn đề, vì nó rất rõ; dù vậy, cũng cần phải có những giải thích y cứ trên cơ sở tư duy của Luật. Kết cú này theo văn Pāli (Sanskrit cũng đồng nhất): evaṃ taṃ dhārayāmi, trong đó dhārayāmi là động từ ngôi thứ nhất, số ít, nghĩa đen là “tôi duy trì, tôi ghi nhớ/ ghi nhận.” Dịch sang Hán có thể là (ngã) trì hay (ngã) ức trì. Kết cú theo văn Pāli hay Sanskrit có thể được đề nghị dịch như sau: “Việc ấy tôi ghi nhận như vậy” Trong câu Pāli, chủ ngữ không hiện diện mà được hiểu ngầm bằng đuôi biến hóa động từ, do đó trong các bản Hán dịch, khi dịch sát, cũng lược bỏ nó để hiểu ngầm. Trong tiếng Phạn, khi lược bỏ chủ ngữ, nhưng do hình thức của đuôi biến hóa mà chủ ngữ vẫn được xác định không thể mơ hồ; trong khi đó, tiếng Hán không có đuôi biến hóa động từ, nên khi lược bỏ chủ ngữ, nó trở thành bất định. Đây là trở ngại ngôn ngữ sơ đẳng, nhưng lại gây nên nhiều khó khăn cho các vị nghiên cứu Luật theo Hán tạng. Chính những vấn đề ngữ pháp nhỏ nhặt tương tợ đã gây trở ngại không ít cho sự hội thông, ít nhất là trên mặt nhận thức, giữa hai hệ Luật Nam và Bắc.

Qua chi tiết nhỏ này chúng ta thấy công phu nghiên tầm giáo nghĩa Luật của Hòa thượng và các bậc Tôn túc khai đạo, với những điều chưa hề được ký tải thành văn, đã bằng tâm thức nhạy bén được sách tấn bằng giới ba-la-mật mà định được hướng đi chân chính cho Tăng-già Việt Nam trong nhận thức cũng như trong hành trì.

***

Trong ước nguyện kế thừa di sản vô giá của Hòa thượng, chúng tôi đã vận dụng tất cả giới hạn hiểu biết của mình về ngôn ngữ để chú giải bản Việt dịch của Hòa thượng, được thực hiện với sự hỗ trợ của Đức Thắng, trưởng tử của Hòa thượng.

Bản ý của Hòa thượng muốn có một căn bản Luật tạng y cứ trên sự đối chiếu giữa hai hệ Luật Nam Bắc, là hệ Pāli và hệ Hán tạng, với hy vọng trong tương lai tiến tới sự thống nhất Luật tạng của cả hai hệ, ít nhất về mặt nhận thức. Vì vậy, trong khi hiệu chính và chú thích, chúng tôi đã tham chiếu thường xuyên Luật Pāli, đối chiếu dụng ngữ, cú pháp, cho đến nội dung các điều khoản học xứ.

Về Hán tạng, những vấn đề liên hệ đến lịch sử truyền thừa, cũng như công tác xử lý văn bản, chỉnh lý những điểm sai sót về sao chép bằng đối chiếu giữa các ấn bản, đồng thời hiệu chính những điểm được nhận thức là nhầm lẫn của dịch giả Hán căn cứ trên giáo nghĩa được chứa đựng trong Kinh tạng, tham khảo các giải thích có được trong Luận tạng, đối chiếu với Luật của các bộ phái khác được phiên dịch ra Hán, và sau hết, đối chiếu với văn cú Pāli; những vấn đề như vậy được trình bày chi tiết trong phần khác, in riêng thành một biệt tập.

Trong tự ngôn trước khi đi vào bản dịch Việt này, chúng tôi thấy cần nêu một số điểm đáng quan tâm đã được đặt thành nguyên tắc để tuân thủ trong khi hiệu đính và chú thích bản dịch Việt.

Việc phải làm trước khi phiên dịch là công tác xử lý văn bản, chỉnh lý những sai sót trong khi sao chép của các bản Hán. Điều này thoạt xem có vẻ đơn giản, vì ban Biên tập ấn hành Đại chánh đã đối chiếu rất công phu các dị bản của các bản Đại tạng được ấn hành trong nhiều thời kỳ khác nhau, tại Trung Quốc, Cao Ly và Nhật Bản. Người dịch chỉ có việc chọn lựa từ cú y trên trình độ nhận thức của mình được cho là thích hợp. Tuy vậy, trong nhiều trường hợp tất cả các ấn bản đều giống nhau, có nghĩa là sự sao chép đã nhầm lẫn ngay từ ấn bản nguyên thủy. Trong những trường hợp này cần phải dựa trên nhiều nguồn tư liệu khác nhau để tham khảo ý nghĩa, đối chiếu nội dung văn nghĩa, để có thể có được văn bản đáng tin cậy cho công việc phiên dịch.

Thí dụ, trong trang 578b6, bản Hán, từ đoan nghiêm 端嚴 phải được hiểu là tán thán mà trong tất cả các ấn bản Đại tạng đều đồng loạt nhầm lẫn. Trang 585a17, in thừa mấy chữ Tỳ-kheo báo ngôn 比丘報言. Những trường hợp đại loại như vậy có thể y trên sự phán đoán cá nhân mà sửa chữa những chữ được cho là chép sai.

Có nhiều trường hợp căn cứ trên các Phạn bản, chủ yếu là bản Pāli để chỉnh lý những điểm sai sót trong bản Hán do sao chép. Thí dụ, trang 851a, bản Hán, chép Bà-la-bạt-đề 婆羅跋提, đây là tên của một cô gái đọc theo Pāli là Sālavatī, do đó mà biết rằng Hán đã chép nhầm từ sa thành . Vậy, từ đúng là Sa-la-bạt-đề, thay vì là Bà-la-bạt-đề trong các ấn bản Hán.

Mặt khác, những sai sót do sao chép, thường là nhầm lẫn tự dạng mà Khuy Cơ (Thành duy thức luận thuật ký tự) nói là “suyển phượng ngoa phong, quai ngư mậu lỗ” 舛鳳訛風乖魚謬魯, chữ phượng 鳳 nhầm lẫn với chữ phong 風, chữ ngư 魚 lẫn lộn với chữ lỗ 魯; những trường hợp như vậy rất thường xuyên, và việc chỉnh lý không khó khăn lắm, tùy thuộc trình độ ngôn ngữ, và trình độ nhận thức giáo nghĩa. Về cơ bản, văn bản được chấp nhận của Đại chánh gọi là để bản. Những bản tham chiếu để hiệu đính được tìm thấy ở cước chú. Trong đó đối chiếu nhiều bản chép khác nhau. Các bản được tin tưởng nhiều nhất là bản in Tống, Nguyên, Minh, mà trong phần hiệu chính chúng tôi sẽ ghi tắt là TNM. Những bản khác khi cần, chỉ nêu gọn là bản khác.

Một số trường hợp cần được hiệu chính, là những sai lầm có thể có do chính dịch giả Hán, hoặc nhầm lẫn bởi văn bản truyền khẩu, trình độ ngôn ngữ để phân tích cú pháp trong nguyên bản, hay để chuyển ngữ sang Hán. Thí dụ, bản Hán trang 596b, có điểm ngữ pháp đáng lưu ý trong bản Hán dịch. Trong bản Pāli (Vin. iii. 8): (…) kilāsuno ahesuṃ sāvakānaṃ vitthārena dhammaṃ desetuṃ, “(Các đức Thế tôn này) không tích cực (=mệt mỏi) thuyết pháp một cách rộng rãi cho các đệ tử.” Tính từ kilāsuno (mệt mỏi = không tích cực, chủ cách, số nhiều, Hán: bì yếm 疲厭) phẩm định danh từ Thế tôn (bhagavā ) chứ không phẩm định cho danh từ sāvakānaṃ (chỉ định cách, số nhiều, Hán: chư đệ tử 諸弟子) như trong Hán dịch.

Trang 571b, giới văn của ba-la-di thứ nhất, Hán dịch: “Giới luy bất tự hối 戒羸不自悔”, mà phổ thông có thể hiểu là “giới yếu kém (hay sút kém), không tự sám hối (hay tự hối hận).” Cách hiểu như vậy khiến cho nội dung của giới văn trở nên tối. So sánh các bản dịch Luật bộ khác, như Thập tụng: giới luy bất xuất 戒羸不出. Câu dịch này cũng không rõ nghĩa. Rõ nghĩa, không mơ hồ có lẽ phải đối chiếu với câu văn Pāli: dubbalyaṃ anāvikatvā, không tuyên bố sự bất lực của mình (không kham nổi đời sống tỳ-kheo); trong đó, từ anāvikatvā, có nghĩa là “đã không công khai công bố, không nói rõ cho mọi người biết, ” tức là không tuyên bố xả giới. Tất nhiên, ba-la-di chỉ có ý nghĩa với tỳ-kheo mà giới thể còn tồn tại. Với người đã mất giới thể tỳ-kheo, mà bản chất đã trở thành người thế tục, thì không có vấn đề vi phạm ba-la-di. Mọi người đều hiểu điều đó, nhưng từ hối, nếu được hiểu là sámhối, khiến cho một trong các yếu tố cấu thành tội ba-la-di trở thành vô lý. Trong trường hợp như vậy, sự đối chiếu Pāli thật là hữu ích.

Hoặc kết cú trong phần lớn giới văn của các học xứ có nêu các trường hợp đặc miễn, Hán văn thường nói: thử thị thời. So sánh Pāli: ayaṃ tattha samīcī, đây là điều hợp cách. Và giải thích: ayaṃ tattha anudhammatā, ở đây điều này tùy thuận pháp tánh. Bản Hán đọc: ayaṃ tattha samayaṃ. Ngũ phần, Thập tụng: thị sự ưng nhĩ 是事應爾, sự việc phải đó như vậy. Tăng kỳ: thị sự pháp nhĩ 是事法爾. Căn bản: thử thị thời 此是時. Hoặc trang 626c, Hán dịch: bất linh thô hiện 不令麤現. So sánh Pāli, Vin.i.198: na ca oḷāriko āhāro paññāyeyya, không thể quan niệm là thức ăn thô (=thực phẩm chính). Có lẽ bản Hán để rơi mất từ āhāra (thực phẩm) nên câu văn bất xác.

Trong giới văn kết giới lần thứ hai của ba-dật-đề 41, nơi trang 664c, bản Hán chép thiếu hai chữ lõa hình 裸形 đã được nêu trong văn kết giới lần đầu. So sánh Pāli: acelakassa vā paribbājakassa vā paribbājikāya vā, cho các loã hình (nam), hay xuất gia (ngoại đạo) nam hay xuất gia (ngoại đạo) nữ; không có lõa hình ngoại đạo nữ. Ngũ phần: cho ngoại đạo lõa hình nam hay nữ. Tăng kỳ: vô y ngoại đạo và xuất gia nam, nữ. Căn bản: vô y ngoại đạo, và các nam, nữ ngoại đạo khác.

Trong nhiều trường hợp nhầm lẫn có thể do chính bởi dịch giả Hán như vậy, người dịch và chú thích khi thực hiện bản Việt cần phải tham khảo các Luật bộ khác để tìm hiểu ý nghĩa thống nhất, đồng thời so sánh với Pāli để đoán định từ cú nguyên thủy.

Điều cũng cần nêu ra ở đây, theo đó, Luật là những điều khoản quy định điều gì nên làm, không nên làm đối với tỳ-kheo, mà những điều này phần lớn liên hệ đến tư cụ sinh hoạt, như y phục, thức ăn, phòng xá, vân vân, trong đó có khá nhiều thứ không có tương đương trong ngôn ngữ Hán, khiến cho khi đối chiếu các bản dịch các Luật bộ, các điều khoản Luật liên hệ có khi tưởng như liên hệ vật khác nhau; trong nhiều trường hợp nếu không thận trọng có thể tưởng là hai sự kiện tương phản, đối nghịch nhau. Hoặc giả, vì không tìmra Hán ngữ tương đương, dịch giả Hán đành chấp nhận phiên âm.

Trong các trường hợp như vậy, sự tham khảo Pāli giúp ích rất nhiều. Nếu tìm thấy Pāli tương đương, quả thật may mắn để xác định vật dụng liên hệ đó là cái gì. Nếu không tìm thấy Pāli tương đương, chú thích phải suy đoán nguyên hình Phạn ngữ, để từ đó xác định vật liên hệ. Nếu không đủ cơ sở để suy đoán, chú thích đành phải để khuyết nghi, chờ đợi tra cứu sau này.

Thí dụ, trong Ni-tát-kỳ xvi, bản Hán trang 617c, đề cập các loại y hay vải: Câu-giá-la 拘遮羅, cỏ nhũ diệp 乳葉草, sô-ma 芻摩, ma 麻, xí-la-bà-ny 廁羅婆尼. Trong đó câu-giá-la có thể là phiên âm của kauśeya (Sanskrit), hoặc liên hệ Pāli:koseyya, chỉ tơ lụa, hay vải quyến.

Về nhũ diệp thảo thì khó suy đoán chính xác nguyên ngữ Sanskrit để biết nó là loại vải gì. Trong từ điển Sanskrit của Monier, chúng ta có tên loại cây cho ra dịch sữa, gọi là kṣīravṛkṣa hay kṣīra-taru, từ điển Phạn-Hòa của Wogihara dịch là nhũ thọ, nhũ mộc thọ, nhũ quả thọ. Đây là một loại cây sung mà loại nhánh của nó là các cây nyagrodha, udumbara, aśvatha, madhūka. Hoặc giả, vỏ của nó được dùng để dệt thành vải. Hán dịch nhũ diệp thảo, là một loại cỏ sữa, mà được dùng làm chất liệu để dệt thành vải, thì điều này không tìm thấy trong các từ điển Sanskrit hiện có.

Mặt khác, ăn uống là sự thường, đâu cũng có, nhưng phân loại thức ăn thành hai thứ loại cứng và loại mềm, mà nguyên ngữ Sanskrit (=Pāli) khādanīya, bhojanīya; điều này không có ở Trung quốc, dịch giả không tìm ra từ Hán tương đương nên phiên âm là khư-xà-ni 佉闍尼 và bồ-xà-ni 蒱闍尼. Nội dung các loại thức ăn này cũng bất đồng giữa các bộ; lý do tất nhiên là vì khác biệt phong thổ. Thí dụ, theo Thập tụng (tr.91b11), có 5 loại khư-đà-ni 佉陀尼: rễ, cọng, lá, mài, quả 根 莖葉磨果. Theo luật Căn bản (tr.821b22): rễ, cọng, lá, hoa, quả 根莖葉花果. Luật Ngũ phần 7 (tr.52c12): phạn (cơm), can phạn (cơm khô), bính xiếu (bánh bột?), ngư (cá), nhục (thịt) 飯乾飯餅糗魚肉. Luật Tứ phần (tr. 660a15), thức ăn khư-xàni, gồm có thức ăn khư-xà-ni củ, thức ăn nhánh, lá, hoa, trái khư-xà-ni, thức ăn dầu, mè, đường mía, (thức ăn) nghiền nát.

Thật sự, Luật bao gồm những quy ước cho các quan hệ xã hội. Mỗi xã hội, do yếu tố địa lý, lịch sử, hình thành những truyền thống dị biệt, những nền văn minh dị biệt. Cho nên, không thể tìm thấy hoàn toàn sự nhất trí giữa hai truyền thống văn minh trong một bộ Luật. Luật Tỳ-kheo cũng không thoát ly khỏi giới hạn này. Cho nên, trong nhiều trường hợp, vấn đề chuyển ngữ là bất khả. Chính vì vậy mà các dịch giả Luật trong Hán tạng nhiều khi chỉ có thể phiên âm, và cũng khôngcó bất cứ giải thích để biết từ phiên âm ấy trỏ vào vật gì, cụ thể là cái gì. Điều này các dịch giả Luật từ Pāli sang tiếng Anh cũng gặp phải. Như I. B Horner, The Book of The Discipline, và F. Max Muller, Vinaya Texts (The Sacred Books of The East) nhiều từ, nhiều đoạn văn phải để trống, và thú nhận là không thể dịch.

Trên đây chỉ nêu một số trường hợp điển hình để lưu ý khi đọc bản dịch Việt mà cần tra cứu lại bản Hán dịch có thể biếtrõ lý do và căn cứ của hiệu chính và chú thích.

***

Bản dịch Tứ phần luật này của Hòa thượng cùng với sự hiệu chính và chú thích đã được Hòa thượng xem lại, nhưng chúng tôi không thấy Hòa thượng chỉ dạy gì thêm về những sai lầm có thể có trong khi hiệu chính và chú thích; vì vậy đây có thể được coi là bản dịch chuẩn với sự ấn khả của Hòa thượng.

Ngoài bản dịch Tứ phần luật, hòa thượng còn dịch các văn bản Luật khác như Luật Trùng trị của Trí Húc, chú giải giới bản của Tỳ-kheo, Tỳ-kheo sớ nghĩa ngài Truyền Nghiêm soạn tập, Di-sa-tắc bộ Hòa-hê ngũ phần luật, và luật Căn bản thuyết nhất thiết Hữu bộ Tỳ-nại-da, Căn bản thuyết nhất thiết Hữu bộ Bí-sô-ni Tỳ-nại-da, Căn bản thuyết nhất thiếtHữu bộ Bách nhất yết-ma. Các bản dịch này được biên tập dưới dạng bản thảo, chưa được nhuận sắc, hiệu chính và chú thích. Chúng tôi hy vọng những đệ tử kế thừa y bát của Hòathượng sẽ chú tâm thực hiện các phận sự này, một là để không phụ ân đức giáo dưỡng tài bồi của Sư Trưởng, hai là góp phần vào sự tăng trưởng hưng thịnh của Tăng-già, tiếp nối mạng mạch của Chánh pháp, làm chỗ nương tựa và phước điền cho thế gian.

Quảng hương Già-lam,
Cuối Đông, 2549
Thích Nguyên Chứng
Cẩn chí

QUYỂN 1

QUYỂN 2

QUYỂN 3

QUYỂN 4

QUYỂN 5

QUYỂN 6

QUYỂN 7

TỔNG MỤC LỤC

Hiển thị thêm
Back to top button