Tỳ-kheo Thích Thiện Châu: “Đại đức Minh Châu – Một viên ngọc sáng của Nalanda”
Trước khi sắp lên đường sang du học ở Ấn, tôi có gặp Đại đức Đức Tâm tại Huế.
Đại đức cho biết gần đây có một luồng dư luận xuyên tạc Đại đức Minh Châu phát ra từ một vài người ganh tỵ ở Huế. Đại đức Đức Tâm bảo tôi sau khi đến Ấn nên viết một vài tin tức về Đại đức Minh Châu gửi đăng Liên Hoa để cải chính sự cố tình xuyên tạc ấy. Tôi cười và thưa: “Thưa thầy, cải chính làm chi cho mệt; để thầy Minh Châu về đây rồi thì họ tự mắc cỡ lấy”. Đại đức Đức Tâm nói: “Chúng mình thì không sao. Chỉ lo cho các em Phật tử, nhất là giới sinh viên nhẹ dạ tin theo thì có hại cho lòng tin Phật của họ ngay bây giờ”. Tôi im lặng. Có lẽ Đại đức Đức Tâm nghĩ rằng tôi đã chấp thuận lời đề nghị của Đại đức. Và câu chuyện về Đại đức Minh Châu được chấm dứt để nhường cho những câu chuyện khác.
Từ khi gặp Đại đức Minh Châu trên đất Ấn đến nay đã hơn 5 tháng, tôi không hề có ý định làm công việc mà Đại đức Đức Tâm đã dặn. Vì tôi nghĩ thêm: “Không cần tuyên truyền cho Đại đức Minh Châu. Nếu viết không khéo lại bị Đại đức rầy cho là khác” (đức tánh điềm đạm và khiêm tốn của Đại đức khiến tôi suy nghĩ điều nầy). Vả lại, theo tôi, những lời tán thán của Đại đức Mangala người Ấn sang Việt Nam vào hồi đầu năm, đã đem lại cho Phật tử Việt Nam một nguồn vui vô biên rồi – Đại đức Mangala đã nói: “Tôi rất kính phục Đại đức Minh Châu, một vị Đại đức Việt Nam đầu tiên tôi gặp ở đất Ấn. Về trí thức thì khỏi nói quý Thượng tọa đã nhận được kết quả về học lực của Đại đức Minh Châu rồi. Tôi muốn nói về đức hạnh. Không người Ấn hay người ngoại quốc nào sau khi gặp mà không kính phục vị học giả đạo hạnh ấy. Tôi có thể nói: Đại đức Minh Châu quả là một vị Đại đức kiểu mẫu vậy”.
Nhưng hôm nay, nhớ lại lời dặn của Đại đức Đức Tâm, tôi đâm ra hối hận. Hối hận vì tôi đã không nghe lời Đại đức Đức Tâm để làm công việc chặn đứng sự xuyên tạc hèn hạ. Và nếu không nói lên những sự thật về Đại đức Minh Châu để san sẻ nguồn vui cho kẻ khác, tôi sẽ là người ích kỷ. Vì tôi biết rõ Phật tử Việt Nam đang khao khát được biết tin tức về Đại đức Minh Châu, một vị thầy mà họ hằng kính mến và mong đợi. Những bức thơ của tôi không bức nào là người viết thơ không hỏi đến Đại đức Minh Châu. Hơn nữa, hôm nay tôi viết cũng là để được tưởng nhớ Đại đức Minh Châu một cách đầy đủ hơn. (Đại đức có việc ở Đại học Bihar nên vắng Nalanda hơi lâu). Những dòng chữ này nếu không may lọt qua mắt Đại đức (tôi cố gắng không cho số Liên Hoa này đến tay Đại đức) thì xin Đại đức miễn thứ cho cái việc làm lếu láo này của tôi.
Tôi cũng như quý Phật tử ở nhà, đều biết thân thế và sự nghiệp tu hành của Đại đức Minh Châu khi ở nhà nhiều quá rồi, khỏi cần nhắc lại nơi đây. Tôi chỉ ghi nhận một vài nét mà Đại đức hiện có, sau khi tôi gặp lại Đại đức ở Ấn Độ thôi. Vừa đến Ấn, khi viếng chùa Hội quán của Hội Maha Bồ-đề ở thủ đô New Delhi, cách Nalanda chỗ Đại đức Minh Châu ở gần 2.000 cây số, chúng tôi đã được nghe các Đại đức người Ấn, Thái, Cam-bốt ở đây ca ngợi Đại đức Minh Châu rồi. Về đến Nalanda, tuy chưa gặp Đại đức ở Darjeeling nhưng qua sự đón tiếp nồng hậu thân mật của chư Tăng sinh viên và học giả ở đây, chúng tôi cũng biết được một phần nào uy tín của Đại đức. Các vị ấy nhắc đến tên Đại đức Minh Châu một cách kính mến. Sau đó, Đại đức Ghosànanda, một học giả người Cam-bốt cho tôi biết: “Ông Viện trưởng quý mến Đại đức Minh Châu lắm. Ông nói rằng Đại đức Minh Châu là Huyền Trang thứ hai của Nalanda”. Và ông Kamesware Prasad, một học giả người Ấn, một hôm có người con từ Patna lên thăm, đã dẫn con đến thăm và trịnh trọng giới thiệu Đại đức Minh Châu với con mình. Ông nói: “Đây là Đại đức Minh Châu, người Việt Nam, Đại đức là ‘Tam tạng pháp sư’ (chỉ ngài Huyền Tráng) của Nalanda mới” (Ngài Huyền Trang ở Nalanda cũ). Đại đức thông suốt Tam tạng kinh điển bằng Hán văn, Pāli và Sanskrit. Đại đức nói lưu loát tiếng Anh, Pháp, Trung Hoa và Hindi. Không những ở Nalanda mà khắp nơi, học giả và sinh viên Ấn cũng như ngoại quốc đều biết đến Đại đức Minh Châu, người đã đậu đầu kỳ thi M.A. và viết bài luận án Ph.D dày gần 1.000 trang về vấn đề: “A Comparative Study of the Chinese Madhyama Àgama and the Pāli Majjhima Nikāya” bằng năm thứ chữ: Anh, Pāli, Hán, Sanskrit, Pháp. Chính ông André Bareau, một học giả hữu danh ở Pháp đã gởi thơ ca ngợi bản luận án này. Ngay những người Ấn, cũng rất ít người đạt được cấp bằng cao thuộc về môn cổ ngữ và triết học này. Người ngoại quốc thì phần nhiều chỉ học đến M.A rồi về hoặc sang qua môn khác. Tại Nalanda cũng như toàn Ấn Độ, hầu hết học giả và giáo sư chỉ biết Pāli, Sanskrit và Anh văn chứ rất ít người biết cả Hán và Pháp văn. Về kinh điển thì rất hiếm người thông thạo cả Tiểu thừa và Đại thừa như Đại đức Minh Châu.
Tuy thế, chúng ta đừng vội nghĩ rằng Đại đức Minh Châu chỉ là một nhà học giả hữu danh mà phải thấy được cái toàn diện nơi Đại đức; nghĩa là phải thấy Đại đức là một vị thạc sĩ vừa là một bậc thạc đức. Chính Đại đức đã nói với tôi khi xuất dương, Đại đức chỉ có một ý nguyện là làm sao cho “Đạt đạo”. Vì thế 3 năm ở Tích Lan, Đại đức đã dành rất nhiều thì giờ cho việc đi tham khảo các bậc chơn tu và thực hành Thiền quán. Đại đức đã lên tận Miến Điện để nghiên cứu và tu tập Thiền định. Và sau cùng Đại đức mới chọn Nalanda làm nơi vừa tu tập vừa nghiên cứu. Tôi không dám bàn đến vấn đề đức hạnh của Đại đức mà chỉ kể ra đây một vài đức tánh đặc biệt của Đại đức. Tuy là người ngoại quốc, lại ở vào một nước nhỏ, nhưng với tài và đức, Đại đức đã làm cho tất cả Ban Giám đốc và toàn thể sinh viên cho đến những người giúp việc đều kính phục. Nalanda từ lâu muốn mời Đại đức ở lại luôn làm giáo sư (Đại đức đang còn lưỡng lự). Đại đức hiện là Chủ tịch Hội Phật giáo Nalanda. Hội tuy không đông hội viên nhưng có tánh cách quốc tế vì gồm tất cả các nước Nhật, Đức, Ấn, Tích Lan, Thái Lan, Cam-bốt, Lào, Tây Tạng, Miến Điện, Népal, Pakistan, Việt Nam, gồm cả Tiểu thừa và Đại thừa. Ngoài việc giao tế với các đoàn thể khác bên ngoài, Đại đức luôn luôn chu đáo mọi công việc của Hội. Không có một việc nhỏ nào mà Đại đức bỏ qua. Thậm chí Đại đức săn sóc cả việc tụng kinh, thiền định hằng ngày của chư Tăng hội viên. Có lần Đại đức đi Calcutta một thời gian hơi lâu, thế là công việc của Hội trở nên bê bối và đợi Đại đức về mới kiện toàn lại được. Những sự đòi hỏi hợp lý của sinh viên nội trú đều được Đại đức yêu cầu kết quả với Ban Giám đốc. Đại đức đang làm một gạch nối giữa Ban Giám đốc và sinh viên. Đại đức Minh Châu quả là “một viên ngọc sáng” của Nalanda. Nhờ đó, chúng tôi những người Việt Nam đến sau, được thừa hưởng uy tín của Đại đức. Trong một tháng vừa qua, trên các nẻo đường chiêm bái, đến đâu chúng tôi cũng được chư Tăng và cư sĩ đón tiếp nồng hậu. Nhiều chùa lớn đã mời Đại đức thuyết pháp và Hội Phật giáo tại Darjeeling đã mời Đại đức làm cố vấn danh dự. Chúng tôi nghĩ rằng không những Đại đức đã làm rạng danh cho Phật giáo Việt Nam mà cả dân tộc Việt Nam nữa. Chúng tôi tin tưởng Đại đức là người đủ sức đảm đang công việc liên lạc giữa Phật giáo Việt Nam và Phật giáo quốc tế, nhất là các nước Đông Nam Á.
Như tôi đã nói là từ lâu Nalanda muốn mời Đại đức ở lại làm Giáo sư. Nếu Đại đức ở lại Nalanda thì đó là một hạnh phúc cho chúng tôi; không kể đến sự học – chúng tôi học thêm với Đại đức ngày 3 giờ – mà cả đời sống tình cảm, đạo hạnh khi ở nơi xa quê hương nữa. Tôi có thể nói: Có Đại đức Minh Châu ở Nalanda là chúng tôi có tất cả. Nhưng làm sao chúng tôi lại ích kỷ như thế được. Chính tôi đã trình bày, sự cần thiết của sự trở về đất nước của Đại đức và nói lên sự mong đợi Đại đức của Phật tử Việt Nam. Qua sự trần tình của tôi, Đại đức thông cảm nhiều. Nhưng có lần Đại đức nói: “Muốn cho người ta biết đến Phật giáo Việt Nam, mình phải đóng góp gì về văn hóa với Phật giáo quốc tế”. Đại đức muốn nói sự nghiên cứu rộng rãi hiện nay sẽ làm cho học giả quốc tế biết đến Phật giáo Việt Nam. Thật vậy, Nalanda đã yêu cầu in bản luận án và những tập sách nghiên cứu về Phật giáo của Đại đức. Một vài nhà xuất bản ở Bombay, Calcutta yêu cầu xuất bản những sáng tác của Đại đức. Tôi rất sung sướng được thấy và đọc rất nhiều những tài liệu dịch thuật, sáng tác của Đại đức. Có một điều rất tiếc cho đại chúng Việt Nam là những bảo vật ấy phần nhiều chỉ dành riêng cho học giả hay người có tâm nghiên cứu. Giáo sư André Bareau đã gởi thơ mời Đại đức sang Pháp để cùng nghiên cứu. Đại đức Pasadika cũng muốn thỉnh Đại đức sang Đức để giáo hóa. Chính Đại đức người Đức này đã nói: “Nếu Đại đức Minh Châu về nước và nếu được, tôi sẽ sang Việt Nam để học với Đại đức về Pāli và Phật giáo Việt Nam”.
Viết đến đây, một tâm trạng phân vân buồn cười phát hiện trong tôi: nửa muốn Đại đức về nước ngay lúc này để đem lại nguồn vui Chánh pháp cho Phật tử và cả đồng bào Việt Nam; nửa muốn Đại đức ở lại đây để đóng góp cho nền văn hóa Phật giáo quốc tế, và nhất là chúng tôi được nhiều lợi ích trong sự học hỏi.
Một niềm vui thanh tịnh đang dạt dào trong tâm tư lòng tôi vì đã được ca ngợi một người đáng ca ngợi: “Đại đức Minh Châu hay là Huyền Trang Việt Nam” (lời của Đại đức Pasadika người Đức phát biểu).
(Viết tại Nalanda xong lúc kém 10 phút đầy 1 giờ sáng ngày 26 tháng 12 Phật lịch 2505)