Vĩnh Hảo: Bay qua trời vô ngại

Nắng ấm được một tuần những ngày cuối đông. Khi tang lễ bắt đầu diễn ra, trời cũng trong veo, lung linh bóng nắng. Màu hoàng y của hàng trăm tăng sĩ sáng lên dưới những đèn hoa đỏ thắm được trang trí từ những ngày trước đó để chuẩn bị đón Tết nguyên đán. Có vẻ gì trái nghịch trong quang cảnh đồng thời trình hiện của một lễ tang và một hội xuân. Nhưng trong một ý nghĩa nào đó, dường như sự kết thúc của một cái này là nhân duyên để tái hiện một cái khác – như trong kinh Phật từng minh thị: “Do cái này có mặt nên cái kia có mặt. Do cái này không có mặt nên cái kia không có mặt. Do cái này sinh nên cái kia sinh. Do cái này diệt nên cái kia diệt.”[1] Mùa đông đã sẵn có sắc xuân rực rỡ; mùa xuân đã ươm mầm cho những ngày nắng hạ chói chang.

“Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông, mai mùa hạ buồn chăng”[2]

Không ngại chi với việc cười vui, buồn khóc theo vận hành vô thường của bốn mùa đổi thay. Trong niềm vui có nỗi buồn; trong tang tóc có niềm hy vọng, tin yêu. Người đến, rồi người đi. Người đi, rồi người sẽ về.

Trăm năm cuộc đời, vượt qua chính mình, vượt qua bao khó nhọc, khúc mắc trên đường đạo để thâm nhập biển tuệ Phật Pháp, từ đó tận tụy truyền trao sở kiến sở văn cho người đi sau. Không lập chùa, sống một đời với hạnh vô trụ xứ, tự tại không vướng mắc; nhờ vậy mới có nhiều thời gian cho việc giáo dục, đào tạo. Nơi nào cần thì đến; xong việc thì đi. Ứng hiện nơi đâu, khai mở kiến văn cho đồ chúng nơi đó, gieo chủng tử chánh thiện cho quần sinh khắp nơi. Gần một thế kỷ chỉ tận tụy làm mỗi một việc, một hướng là hoằng pháp: viết sách, dịch kinh, giảng dạy cho các trường lớp Phật học và đạo tràng khắp châu lục, quốc gia. Công đức lợi sinh như vậy, không thể nghĩ bàn.

Ngày kế tiếp, mưa rơi nhiều không ngăn được những đoàn người kính viếng lễ tang. Vì đâu mà được nhiều người quý phục, cảm mến như thế? – Không phải vì những chức danh chức vụ cao tột trong giáo hội này, tổ chức kia, mà chính vì sống không tham cầu danh vị, lợi dưỡng; luôn tiếp xử với mọi người bằng sự lân mẫn, bình dị, khiêm cung. Ra đi không có tài sản vật chất gì để lại, chỉ có di sản hoằng pháp to lớn của kinh văn, luận giải được sáng tác và biên dịch từ một trí tuệ cao thâm.

Ngày cuối cùng, đưa người đến nơi trà tỳ; mưa nhè nhẹ, lất phất rơi. Rồi mưa tạnh, nắng chợt ửng lên. Trời tây hiển hiện một cầu vồng ngũ sắc. Cánh hạc thong dong bay qua trời, vô ngại.

Thư tòa soạn Nguyệt san Chánh Pháp, số 148 (tháng 03.2024)


[1] Câu này tìm thấy rải rác trong nhiều kinh của Trung Bộ, HT. Thích Minh Châu dịch, cũng như trong kinh Trường A-hàm, bản Hán: “Nhược thử hữu tắc bỉ hữu, nhược thử vô tắc bỉ vô, nhược thử sinh tắc bỉ sinh, nhược thử diệt tắc bỉ diệt…” (Nếu cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không; cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt).

[2] Thơ Tuệ Sỹ, bài Không Đề.

Hiển thị thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button