Vĩnh Hảo: Người hiền trí
Suốt mấy tháng mưa dầm dề, bầu trời luôn xám xịt. Hôm nay mới có được một ngày nắng ấm, trời xanh lơ, không cả mây trắng. Muôn hoa sẽ rộ nở trong những ngày sắp tới, và đây mới thực sự là dấu hiệu của mùa xuân nơi này.
Trong không khí trong lành, êm ả, với niềm vui được diện kiến và lắng nghe sở tri của những bậc long tượng hiền trí, lòng bất chợt chùng xuống khi có những lời dị nghị, gièm pha từ những người khác, nơi khác. Không phải buồn cho người hiền trí, mà buồn thương, ái ngại cho những người “đường đi năm cũ thì một tấc một bước cũng chẳng dời đổi”[1]. Một tấc một bước không dời có vẻ như ca ngợi lập trường kiên định, không lung lay. Nhưng kỳ thực, không phải.
Người hiền trí là người đã thấy, đã tin, và tinh tấn thực hành những điều tự mình chứng ngộ và chứng nghiệm, bằng cách tiến tới một cách thông tuệ và vững chãi, tiến tới mãi, buông bỏ và vượt thoát những sở tri kiến vừa đạt được[2], để tiến đến sự hoàn thiện nhân cách và giải thoát giác ngộ hoàn toàn như đức Phật. Điều mà người hiền trí kiên định, không lung lay, chính là tín tâm bất hoại đối với Chánh Pháp, chứ không phải là thái độ khư khư bám giữ lập trường, danh nghĩa, địa vị, hay một ý tưởng (dù một thời trước đó được cho là đúng).
Sống ở đời hay trong đạo, cần gần gũi những người hiền trí[3], tránh xa những người bạn ác[4]. Gần bạn ác chẳng mang lại lợi ích gì cho tự thân, cho xã hội, trái lại còn kéo mình xuống vũng lầy ác kiến, làm những việc bất chánh, tổn hại tha nhân, trong hiện tại và tương lai. Trong khi người hiền trí thực hiện những điều lành, chánh thiện, thì người ác chỉ làm những điều ngược lại, thậm chí còn công kích, ngăn trở việc làm của người hiền trí. Công kích và ngăn trở việc chánh thiện có được không? — Không.
Việc chánh thiện thì luôn như mặt trời tỏa rạng. Dù mây đen che khuất bao lâu, có ngày cũng tan đi để hiển lộ một bình minh nắng ấm.
[1] “Người xuất gia là cất bước thì muốn vượt tới phương trời cao rộng, tâm tính và hình dung khác hẳn thế tục, tiếp nối một cách rạng rỡ dòng giống của Phật, làm cho quân đội của ma phải rúng động khuất phục, với mục đích báo đáp bốn ân, cứu vớt ba cõi. Không như vậy thì chỉ là kẻ lạm xen vào hàng ngũ tăng sĩ, lời nói và việc làm trống rỗng, sơ suất, hưởng dụng một cách vô ích cúng phẩm của tín đồ, đường đi năm cũ thì một tấc một bước cũng không đổi dời, quàng hoảng suốt cả một đời thì còn lấy gì mà nương tựa và cậy nhờ? Huống chi tăng tướng đường hoàng, dung mạo khả quan, toàn do thiện căn đời trước gieo trồng mới có được cái quả báo đặc biệt ấy, vậy mà chỉ nghĩ đến việc ngồi thẳng, khoanh tay, chứ không biết quí trọng từng tấc bóng của thì giờ. Nhưng đạo nghiệp mà không chịu nỗ lực thực hành thì đạo quả sẽ không có nhân tố thành tựu. Như vậy đâu phải chỉ một đời này qua đi một cách vô ích, mà mọi việc trong những đời sau cũng không được bổ ích gì.” (Quy Sơn Cảnh Sách Văn, HT. Thích Trí Quang dịch)
[2] Giải thoát tri kiến, là phần thứ 5 trong 5 phần pháp thân của bậc Thánh giả: Giới, Định, Tuệ, Giải Thoát và Giải Thoát Tri Kiến. Giải thoát tri kiến là vượt qua cả những tri kiến và thành tựu, nghĩa là tâm rỗng rang tự tại, vô cầu, vô chấp đối với tất cả thành tựu lớn hay nhỏ, ngay cả quả vị giải thoát vừa đạt được.
[3] “Đi xa thì phải nhờ bạn tốt để luôn luôn lọc sạch tai mắt, trú ở thì cần chọn bạn hiền để thường thường nghe điều chưa nghe. Nên ngạn ngữ đã nói, sinh ta là cha mẹ, tác thành ta là bạn bè. Gần gũi người hiền thì như đi trong sương móc, tuy không ướt áo mà lúc nào cũng thấm đượm; quen thân kẻ ác thì lớn thêm kiến thức độc ác, sớm tối làm ác, ác báo đã bị ngay trước mắt mà chết rồi lại phải chìm đắm, làm cho thân người một khi mất đi, muôn kiếp vẫn khó mà khôi phục.” (Quy Sơn Cảnh Sách Văn, HT. Thích Trí Quang dịch)
[4] “Chớ nên kết bạn với người ác, chớ nên kết bạn với người kém hèn, hãy nên kết bạn với người lành, với người chí khí cao thượng.” (Kinh Pháp Cú, phẩm Hiền Trí, câu 78)