Vĩnh Hảo: Nhớ cài quai nón*

Từ thuở đi hoang, ngày tàn theo nắng, đêm mơ màng trời thu lấp lánh ánh ngàn sao.

Trên đồi cao, bất động hư không, tâm tịch lặng nhìn trần gian mộng huyễn sinh-diệt diệt-sinh.

Dừng lại hay bước đi, nắng vẫn lung linh bên đèo. Cỏ úa rũ dài bên cổ mộ. Cỏ thơm vươn dậy trên bờ cao. Chợt nhớ thời nguyên sơ, như trẻ thơ, hồn nhiên chập chững ra-vào. Rồi một lần, chạnh lòng mắt biếc hồng hoang. Đời du tử từ đấy động chuyển thăng-trầm, vời vợi đại dương sinh-tử. Lên non rồi lại xuống đồi. Rừng cây bao lần thay lá. Mây trắng đổi hình phút giây. Xuống đồi rồi lại lên non. Lặng đứng trên mơ hồ thiên nhai. Trầm sâu nơi xa xôi hải ngạn. Vẫn một hóa thân này, nghìn năm dằng dặc đi qua trên dặm dài lữ thứ.

Vi vu gió thốc bên đèo. Miểu cô hồn chập choạng chiều hoang. Đèn dầu cạn khô, hương khói tạnh. Một góc đìu hiu nghe đêm xuống. Gối cỏ nằm êm đời du thủ. Lung linh mộng mị dưới ánh trăng hạ huyền.

Bao năm rồi vẫn đi tìm trăng. Chích ảnh cô thân mờ mắt trần. Đá cũng lên lời cung kính hỏi. Ngàn lau phơ phất bóng thiên thần. Nắng tàn bảng lảng cung hoàng hôn. Ơi, tiên ông sao lạc cõi này! Mỉm cười, ta có lạc đâu. Đường ta đi thênh thang mộng trăng vàng. Từ thuở trầm luân đã từng qua đây. Này bờ suối, này khóm lau, này tảng đá ven đường, còn nhớ chăng vó ngựa reo vang chiều hoang dã. Thân ta trải khắp các mộ địa. Hồn ta phơi man mác ven trời. Đi, đã từng đi mãi, đi mòn cả tháng năm.

“Đi để nhớ những chiều pha tóc trắng
Mắt lưng chừng trông giọt máu phiêu lưu”[1]

Buổi về lần khân những hẹn ước. Này rừng lau, này đá cuội, mai kia ta trở lại. Hẳn là ngươi tuổi đã ngàn năm. Sẽ có ngày ta mang ánh trăng về. Để ngàn hoa trắng cả đồi hoang.

Phố thị chờ mong chân lữ hành
Thương người, lại về với nhân gian
Quang gánh chưa buông lòng chưa thỏa
Đường xa vợi khói nước trăm thành[2]

Bâng khuâng hốc núi, mưa mù trời
Tiễn biệt tiên ông, gió gào thương
Khi về anh nhớ cài quai nón
Mưa lạnh đèo cao không cõi người.”[3]

(Cung kính đảnh lễ thượng nhân Tuệ Sỹ nhân Lễ Tiểu Tường của Người)


* Trọn bài này phỏng ý thơ Tuệ Sỹ trong Thiên Lý Độc Hành.

[1] 2 câu trong bài Cánh Chim Trời của Tuệ Sỹ.

[2] “Bách thành yên thủy”, tác phẩm của Thiền sư Phật Quốc. Hòa thượng Thích Kế Châu (1922 – 1996)  dịch là “Khói nước trăm thành.”

[3] Thơ Tuệ Sỹ, Thiên Lý Độc Hành, khúc 13. Nhớ cài quai nón, có vẻ như tự nhắc khi trở về phố thị là bắt đầu cho những trách nhiệm với Tăng-đoàn, với giáo hội, với đồ chúng, sinh dân; cũng là bắt đầu với những phong ba, thị-phi của người trần gian, cần giữ tâm như kim cang bất hoại.

Hiển thị thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button