Văn học

Vĩnh Hảo: Thị hiện tử sinh ‘Tưởng niệm Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận’

(Kính dâng ân sư Thích Đức Nhuận
được dùng làm điếu văn của VPII Viện Hóa Đạo
Vĩnh Hảo chấp bút)

Kính lễ Giác Linh Hòa Thượng,

Từ phương xa nghe được tin Hòa Thượng xả bỏ huyễn thân, trở về Pháp thân thường trụ, chúng tôi thật bàng hoàng xúc động, nghe như đất trời động chuyển chung quanh. Nỗi bi thiết dâng lên không thốt được thành lời. Bao nhiêu đạo tình thâm thiết những tưởng một ngày quê hương thanh bình, sẽ ngồi bên Hòa Thượng trao đổi cho ấm nghĩa đệ-huynh. Nào có ngờ đâu, Hòa Thượng vội đi trước, bỏ lại chúng tôi và bao nhiêu người giữa lúc hơn bao giờ hết, Giáo hội và Dân tộc đang cần rất nhiều ở thần trí của Hòa Thượng. Bao điều muốn nói hãy còn giữ lại trong tâm. Nay đến trước Hòa Thượng, chỉ còn là hình bóng lưu lại trên một linh đài hương khói. Kính tiếc Hòa Thượng, không tiện biểu lộ bằng cảm xúc thường tình. Ðành giấu lệ vào trong để nói lên những lời mộc mạc chân tình này.

Hôm nay suy niệm đời Hòa Thượng, hơn sáu mươi năm đạo hạnh thanh tu, từ Bắc chí Nam, chí nguyện học đạo hành đạo trải qua bao cuộc biển dâu vẫn không sờn. Hành trạng tu tập và công đức hoằng hóa cao sâu như vậy, hàng hậu duệ nghìn sau ghi nhớ mãi.

Ôi thương tiếc làm sao, hình bóng Người, từ thời để chỏm quét lá đến khi trở thành một bậc trưởng lão tôn túc trong cửa thiền, vẫn là một nhân cách bình dị, từ hòa, khiêm cung, cảm hóa bao nhiêu pháp hữu và môn đồ hậu học.

Quả thật:

Ðức lớn so như trời biển
Nhuận thấm giang sơn muôn đời
Trí tuệ vượt ba ngàn cõi
Tạng lý Như Lai sáng ngời.

Một đời đạo hạnh thanh bần, Hòa Thượng chỉ có sự nghiệp trí-đức.

Viết sách, dịch kinh, cặm cụi con đường văn hóa, Hòa Thượng chỉ mong:

– Chuyển hiện Ðạo Phật vào thế giới vô minh;
 Trao cho Thời đại một Nội dung Phật chất.

Tay bút tài hoa gợi làn Gió Thiêng, dệt nên Sứ mệnh của Phật tử đối với Dân tộc và Ðạo Pháp.

Từ viết văn đến làm thơ, từ giảng dạy đến làm báo, Hòa Thượng chỉ canh cánh trong lòng hạnh nguyện đem Ðạo vào đời, không quản gian lao khốn khó.

Cho nên:

Gặp khi đạo pháp lâm nguy, Người luôn là một trong những kẻ đi đầu, dấn mình vào nơi khổ nạn để bảo vệ Phật học Tinh hoa; Kiến thiết Văn minh Phật giáo cho cuộc đời thêm vui bớt khổ.

Ðến thời đất nước suy vi, Người không ngại thân mình già yếu, tay không tấc sắt, uy dũng đương đầu với cường quyền bạo lực để mưu cầu phúc lợi cho sinh dân. Một thân bệnh hoạn, vào tù ra tội bao nhiêu năm, vẫn Sáng một niềm Tin, an nhiên kiên định với lý tưởng hộ đạo cứu đời.

Ôi, cao đẹp thay, con đường Hòa Thượng đi, sáng cả hoài bão của những sứ giả Như Lai và giấc mơ của Dân tộc. Con đường Hòa Thượng đi chính là Hướng đi của Thời đại, nêu gương cho nghìn sau noi dấu.

Tha thiết một đời với bi nguyện độ sanh, Hòa Thượng lưu lại dấu chân uy hùng, trí tuệ của một bậc long tượng tuyệt vời của Ðạo Phật trong Dòng Sử Việt.

Hôm nay trước linh đài, truy niệm công ơn giáo huấn trực tiếp hay gián tiếp của Hòa Thượng đối với nhiều thế hệ Tăng Ni thiện tín và sự tận lực hy hiến cả đời cho Ðạo pháp và Dân sinh mà lòng cảm nghe bồi hồi xao xuyến; chỉ biết dặn lòng thừa tiếp công hạnh của Hòa Thượng mà tiến thủ đạo nghiệp.

Thắp nén hương nầy cung kính lễ
Tiễn biệt Người, gạt lệ bi thương
Khoảnh khắc viễn ly tam thế mộng
Nhẹ gót Người về chốn Tây phương.
Hẹn ngày tương phùng nơi cố quốc
Cùng nhau trở lại cứu Ta Bà.
Bất sinh bất diệt
Người chưa từng đến
Vô khứ vô lai
Người chưa từng đi.
Chỉ có hóa thân trong từng niệm huyễn
Trong cõi vô cùng thị hiện tử sinh.

__________________
Ghi chú: Những chữ viết đậm là đạo hiệu, là tựa của những tác phẩm do Hòa Thượng Thích Đức Nhuận biên soạn, sáng tác.

Hiển thị thêm
Back to top button