Vĩnh Hảo: Tìm, nhìn và thấy

Sáng nay trời lành lạnh. Mưa thu phơ phất bay. Chung trà, nóng. Hương trà, thơm. Một mình thanh thản, ngồi nhìn bâng quơ ra cửa sổ. Có những lúc thật bận rộn, đến nỗi chỉ thấy công việc, không thấy mình. Cũng có những lúc thật vô vi nhàn rỗi, chỉ thấy mình với dòng suy tư lặng lờ lãng đãng, chẳng thấy công việc.

Con mèo trên nóc nhà xe cũng đã phóc xuống tìm chỗ trú ẩn từ lâu, dưới mái hiên, bên những chậu lan đất. Có tiếng người vừa đi vừa nói chuyện, bước chân nhanh vội. Mưa vẫn lất phất bay. Mưa, cho phép nhàn rỗi mà cũng khiến cho vội vàng, thúc bách hơn.

Có gì phải vội vàng chứ, mà sao cứ vội vàng! Người trần vội vàng hoàn tất công việc để còn làm việc khác. Càng hoàn tất nhiều việc, càng thành công, có thể ổn định, hạnh phúc. Nhà đạo vội vàng thoát ly sinh tử bằng cách tu tập, thiền định. Càng vượt qua nhiều giai đoạn, càng gần với phật quả. Có điều gì mâu thuẫn trong sự vội vàng tu tập với sự thúc bách của vô thường. Chính vì cuộc thế vô thường mà không thể sống lây lất qua ngày đoạn tháng. Phải nỗ lực, tinh tấn, không được chểnh mảng, bởi vì một khi quỷ dữ vô thường kéo đến, sẽ không kịp hoàn tất lộ trình giải thoát giác ngộ, sẽ không có cơ hội để tấn thủ đạo nghiệp. Nhưng làm thế nào mà sự nôn nả, háo hức, phấn khởi, vội vã có thể tìm thấy cho mình một cái gì vô hạn?

Tìm, có thể được thấy. Nhưng cái kết quả ‘thấy’ của sự tìm kiếm luôn luôn là một cái gì hữu hạn đã thấy, đã biết, đã nghe, đã ngửi, đã nếm, đã nhìn… trong quá khứ.

Cái vô hạn thì không thể tìm. Vì nó hiện hữu ở khắp nơi. Nhìn ở đâu cũng thấy nó thì không cần phải tìm, không phải nhọc công đi tìm.

Lý luận như thế không sai, nhưng nguy hiểm. Bởi vì, ở đời sống này, con người luôn có khuynh hướng tìm một cái gì cụ thể, có thể thấy được, nắm bắt được. Người ta thà đi tìm cái hữu hạn, có đó rồi mất đó, còn hơn không tìm gì cả, mà rồi cũng chẳng thấy đâu là cái vô hạn. Mà vô hạn để làm gì! Nói theo tâm lý thế tục thì, chẳng xài được chi trong cuộc sống hữu hạn vô thường! Con người thích được vài ba cái hữu hạn hơn là một cái vô biên vô lượng. Thứ gì mà tính được, đếm được, sẽ cho cảm giác hạnh phúc mạnh hơn, phấn khích hơn, chẳng hạn như đếm tiền đếm bạc. Còn cái vô hạn đó hả? Nếu ai cũng sẵn có, không bao giờ mất, thì cứ để yên đó đi, cần chi phải lôi ra mà lý luận, bàn bạc!

Thật là thảm sầu đến tội nghiệp.

Thế nên, từ việc đạo bắc qua việc đời, có khi chẳng ăn nhập. Không ăn nhập ở đây, chẳng phải đạo-đời không liên quan, mà chính là nhà đạo ly khai cuộc đời, và người đời không thèm nhập đạo.

Lại là một cái thảm sầu tội nghiệp khác.

Vậy thì, nói như Trịnh Công Sơn, “sống trên đời này, cần phải có một tấm lòng.” Một tấm lòng, chưa đủ. Phải tìm, phải thấy cái đã, thì mọi việc mới có thể được bắt đầu. Ở đời này, người ta phải bắt đầu bằng cuộc tìm và thấy.

Tìm gì, thấy gì hỡi những người bôn ba, chộn rộn trong giòng chảy xiết của cuộc tồn sinh huyễn hóa?

Chẳng lẽ lại không thấy gì trong cuộc đời?

Chẳng lẽ chỉ thấy đời trong đời?

Chẳng lẽ lại không thấy gì trong đạo?

Chẳng lẽ chỉ thấy đạo trong đạo?

Chứ không phải rằng pháp phật không lìa pháp thế gian?

Chứ không phải rằng mưa bay lất phất hôm nay cũng là pháp phật?

Chứ không phải rằng lá thu rơi cũng thuyết giảng về vô thường hoại diệt?

Chứ không phải rằng một chung trà nóng cũng là pháp phật, một bãi phân trâu cũng là phật pháp?

Chứ không phải rằng những phóng ảnh của tình yêu, con người, từ bi và thù hận, bao dung và cố chấp, xả lợi và tham lam… đều không ngoài phật pháp?

Đọc một đoạn văn, một bài thơ, để tìm gì, để thấy gì? Nếu tìm cái đã từng thấy, thì có cần phải tìm chăng? Nếu tìm cái chưa bao giờ thấy, làm sao biết được khi nào nó xuất hiện để nhận ra nó!

Như thế, người làm văn học và người thưởng thức văn học Phật giáo trước hết phải trang bị cho mình sự thấy, rồi từ đó, nhìn và quan sát tất cả. Không thể đi theo cái vết muôn thuở của cuộc đời là ‘phải đi tìm để thấy.’

Ngược lại, phải thấy tất cả các pháp thế gian đều là phật pháp. Từ cái thấy này, nhìn ở đâu cũng thấy đạo, nhìn ở đâu cũng thấy Phật. Không thấy pháp phật trong pháp thế gian, không thấy thế gian trong pháp phật, thì cần phải xét lại thái độ và sở tri phật-học của mình.

Cánh cửa của văn học, báo chí Phật giáo cần phải khai thông, không thể ‘bế quan tỏa cảng’ mãi được.

Đọc văn thơ Phật giáo mà cứ đòi hỏi lúc nào cũng phải trang nghiêm, đạo mạo, cân xứng, chuông bên phải, mõ bên trái, bát nhang ở giữa, chân đèn hai bên, đông-bình tây-quả… thì thôi, tốt nhất lật Tam Tạng kinh điển ra đọc, cần gì phải đọc văn thơ!

Hãy đọc một đoạn trong kinh Hoa Nghiêm.

“Ngày kia, Bồ tát Văn Thù bảo Thiện Tài đi hái thuốc, dặn:
“Cái gì không phải là thuốc, hái đem về đây.”
Thiện Tài tìm khắp không được, bèn trở về bạch:
“Không gì chẳng phải là thuốc cả.”
Văn Thù bảo:
“Cái gì là thuốc, hái đem về đây.”
Thiện Tài hái đem về dâng lên Văn Thù. Văn Thù cầm mớ thuốc nói với đại chúng:
“Thuốc này cũng có thể giết người, cũng có thể cứu sống người.”

Dĩ nhiên cái gì cũng có điều thuận và nghịch, lợi và hại của nó. Giống như thuốc, có thể chữa bệnh, có thể gây bệnh. Nhưng không thể vì vậy mà không hái thuốc, nấu thuốc.

Nhìn đâu cũng thấy thuốc, là nền tảng của y học. Dùng thuốc một cách khéo léo và thích ứng, là dụng hạnh và tài năng của y sĩ.

Mưa bên ngoài đã tạnh và nắng đã lên cao. Có thể ngồi bên cửa sổ mà thấy cả bầu trời xanh ngát của một ngày thu đẹp.

Midway City, ngày 01 tháng 12 năm 2006

Hiển thị thêm
Back to top button