HT Thích Phước An: Nhà hiền triết Krishnamurti đã nhắc nhở gì cho nhân loại hôm nay?
Tôi còn nhớ hồi giữa thập niên 60 của thế kỷ trước, nhà xuất bản An Tiêm đã cho ra đời tác phẩm Tự do đầu tiên và cuối cùng (The First and Last Freedom) của Krishnamurti do Phạm Công Thiện dịch. Mở đầu tác phẩm, dịch giả còn dịch bài viết của Henry Miller, văn hào hàng đầu nước Mỹ thời bấy giờ, trong đó có đoạn Henry Miller tóm tắt tư tưởng của Krishnamurti như thế này:
“Con người là kẻ tự giải phóng chính mình”, phải chăng đó là đạo lý tối thượng của đời sống? Biết bao bậc hiền nhân trác việt đã nhắc nhở và đã thể hiện bao lần giữa lòng đời? Họ là những đạo sư, những con người đã làm lễ cưới của đời sống, chứ không phải những nguyên tắc, tín điều, luân lý, tín ngưỡng. Những bậc đạo sư đúng nghĩa thì chẳng bao giờ bày đặt ra lề luật hay giới luật, họ chỉ muốn giải phóng con người.
Điều làm nổi bật Krishnamurti và nói lên sự khác nhau giữa Krishnamurti và những bậc giáo chủ vĩ đại trong lịch sử là sự trần truồng tuyệt đối của tâm hồn ông. Ông chỉ giữ lại cho mình một chỗ đứng độc nhất, một con người, với ý nghĩa đơn sơ giản dị nhất của con người”.
Vì là con người nên Krishnamurti cũng mang trái tim như con người, nghĩa là cũng biết đau khổ và yêu thương như một con người. Năm 1925 Nityanand – em trai ông qua đời. Ông đau khổ kể lại:
“Em tôi chết. Tôi đã khóc than trong nỗi cô đơn trơ trọi, bất kỳ đi đâu tôi cũng đều nghe thấy giọng nói của nó và tiếng cười vui vẻ của nó. Tôi đi tìm kiếm cái khuôn mặt của nó giữa khách qua đường và hỏi họ có thấy em tôi không. Nhưng không một ai có thể đem đến cho tôi sự an ủi. Tôi đã cầu nguyện, tôi đã thờ phụng song các vị thần linh đều im lặng”.
Rene Fouere – tác giả quyển Krishnamurti cuộc đời và tư tưởng (Krishnamurti the man and his Teachings) đã nói rằng: “những lời giản dị và xúc động này đã tiết lộ sự nhạy cảm sâu xa của ông. Cái chết của em trai ông đã đưa ông đến chỗ chuyển hóa triệt để, ông kể tiếp:
“Tôi khốn khổ, nhưng tôi cũng bắt đầu giải thoát bản thân tôi ra khỏi tất cả những gì tôi bị ràng buộc, cho đến khi tôi hợp nhất với tình yêu, cho đến khi tôi bước vào đại dương của giải thoát và thiết lập nó ngay trong bản thân tôi”.
Cũng vậy, Krishnamurti tâm sự với nhà văn Rom Landau về việc khi mẹ nuôi ông tức là bà Besant qua đời: “Thiên hạ rất lấy làm khó chịu bởi thái độ của tôi lúc bà mất; tôi không khóc và không tỏ vẻ đau khổ và vẫn bình thản như không. Tôi vẫn tiếp tục cuộc sống thường nhật và người ta cho rằng, tôi bần cùng mọi thứ tình cảm con người. Làm sao tôi có thể giải thích cho họ hiểu rằng, tình yêu của tôi đến với tất cả mọi loài. Tình yêu này không thể bị cảm nhiễm bởi cái chết của một người, dù người đó là Besant. Khi tình yêu đã trở thành nền tảng bọc trọn con người bạn, không một nỗi khổ nào khuấy động bạn được.”
Khi Rom Landau, tác giả tác phẩm Krishnamurti ở Carmel hỏi trong ông có tình yêu cá biệt hay không? Thì Krishnamurti khẳng định rằng “tình yêu đối với tôi là một trạng thái nội tâm thường trực” và ông cũng đã diễn tả thứ tình yêu không có cá biệt ấy một cách đầy thi vị như thế này:
“Tình yêu trong tôi như âm thanh của giọng nói, như màu sắc của da tôi và như bất cứ những gì tôi làm. Nó ở đây một cách bắt buộc ngay khi tôi bị vây bọc giữa những người tôi không quen biết và tôi “không có bổn phận phải thương yêu họ”. Đôi khi tôi thấy mình giữa đám đông ồn ào và tôi không biết chi hết: trong cuộc hội họp, diễn thuyết, hay giữa phòng đợi nhà ga đầy tiếng động, khói mùi thuốc lá, nghĩa là tất cả những gì gây khó chịu cho thân xác tôi. Nhưng ngay giữa lúc ấy, tình yêu trong tôi đối với tất cả cũng mãnh liệt như ngay bây giờ, dưới bầu trời này, nơi mảnh đất tươi tốt này”.
Khi tác giả Krishnamurti ở Carmel hỏi ông, vậy thì giáo lý hiện tại của ông là gì? Thì Krishnamurti đáp ngay “tôi không có giáo lý. Nếu tôi có một giáo lý nào đó, thì đa số người đời sẽ chấp nhận nó một cách mù quáng và sẽ khuôn rập đời sống họ vào đó và uy lực mà họ muốn phong cấp cho tôi”.
Dù nói vậy, theo tôi thì Krishnamurti vẫn thúc giục tất cả chúng ta “phải hoài nghi mọi sự. Khi chúng ta hoài nghi thì điều xác thực mới sinh ra. Đừng chỉ có hoài nghi khi bạn mệt mỏi hay bất hạnh. Bất cứ ai cũng có thể làm được việc đó cả: Hãy mời gọi hoài nghi ngay cả khi bạn ở trong khoảnh khắc của hạnh phúc, bởi vì chỉ có lúc ấy trong những gì còn lại bạn mới khám phá ra chân lý và tà ngụy”.
Và Krishnamurti cũng cho rằng “khi ở trong một trạng thái trống rỗng nội tâm thì mới đưa bạn đi gần đến chân lý hơn. Đừng bao giờ hành động theo thói quen cũ rích, nhưng phải vâng theo những đòi hỏi của cuộc sống một cách tự phát và phải từng lúc”.
Và mục đích của tôi là làm cho mọi người tự do một cách vô điều kiện. Do đó, tôi muốn giải thoát con người được tự do vui thích tung tăng như con chim trong bầu trời quang đãng, không bị nặng nề ứ đọng, độc lập, ngây ngất trong niềm tự do ấy”.
Krishnamurti khẳng định một cách mạnh mẽ rằng: “Chân lý là một lục địa không có con đường và không thể nào tiến đến đó bằng bất kỳ con đường nào, bất kỳ tôn giáo hay tổ chức nào. Đó là quan điểm của tôi và tôi giữ quan điểm này một cách tuyệt đối và vô điều kiện. Bởi vậy, tôi chỉ có thể nói với những người chấp nhận “làm một cuộc cách mạng” nơi chính họ hầu tìm thấy chân lý. Bởi vì ta không thể tìm thấy chân lý bằng cách khư khư tiết giảm tình cảm cũng như bằng phương cách tập luyện tinh thần”.
Và trong tác phẩm Tự do đầu tiên và cuối cùng, Krishnamurti cũng khẳng định lại rằng:
“Muốn chuyển hóa thế giới chung quanh ta, chuyển hóa sự khốn khổ của chiến tranh, nạn thất nghiệp, nạn đói, sự phân chia giai cấp và tất cả sự hỗn loạn khắp nơi thì chúng ta phải chuyển hóa chính bản thân mình. Cuộc cách mạng phải được nhóm dậy trong chính tâm tư mình, chứ không phải lệ thuộc vào bất cứ tín ngưỡng hay ý thức hệ nào, bởi vì một cuộc cách mạng xây dựng trên một tư tưởng hay khuôn đúc hay mẫu mực đặc biệt nào thì chẳng có gì là cách mạng cả”.
Đó là tư tưởng, còn con người của Krishnamurti thì sao? Rom Landau trong Krishnamurti ở Carmel có nhận xét khi gặp ông lần đầu tiên như thế này:
“Đứng trước ông, tôi cảm nhận một ấn tượng sâu xa mà thỉnh thoảng ta chợt nhận khi đứng trước vũ trụ. Trên đỉnh cao một ngọn núi, những con gió nhẹ vờn mát của mùa xuân đến sớm, báo hiệu hoa lá xanh tươi, có thể khiến phát sinh trong ta, những trạng thái thuần khiết, hoan hỉ, dịu mát như vậy”.
Và tác giả Landau còn nói thêm rằng: “Khi Krishnamurti ngưng nói, đôi mắt ông chiếu sáng lên và trông biểu lộ một vẻ đẹp đặc biệt. Mà khi viết về cái đẹp này, nó có vẻ tình cảm và giả tạo, nhưng trong đời sống hiện thực vẻ đẹp này rất hiện thực, vẻ đẹp này hết sức rõ rệt và thu hút. Đây không phải là một nguồn lực hấp dẫn phát tỏa từ ông, nhưng đúng hơn đó là một sự soi sáng nội tâm rất khó định nghĩa và chính sự soi sáng này hiển bày cái đẹp thuần khiết”.
LỜI KẾT:
Tôi vẫn còn nhớ cách đây đã hơn nửa thế kỷ, nghĩa là lúc Phạm Công Thiện đang giảng dạy triết học Tây phương tại đại học Vạn Hạnh, người đã dịch tác phẩm Tự do đầu tiên và cuối cùng của Krishnamurti. Tôi có hỏi anh: Tại sao Krishnamurti là người Ấn Độ thuộc Châu Á mà không bao giờ thấy ông thuyết giảng tại Châu Á, mà lúc nào cũng chỉ thuyết giảng tại Âu Châu, Úc Châu và nhất là Mỹ Châu? Thì tôi được anh Phạm Công Thiện giải thích rằng, dù Krishnamurti không bao giờ nhắc đến Phật Giáo, nhưng tất cả những gì Krishnamurti nói và viết đều là cách ông muốn gởi triết lý Không Tánh (Sùnyatã) đến cho nhân loại, mà theo Phạm Công Thiện thì các nước Châu Á đã thấm nhuần giáo pháp của Đức Phật từ hơn hai mươi thế kỷ nay rồi, nên việc thuyết giảng tại các quốc gia Châu Á là không cần thiết cho lắm.
*Chú thích:
– Tất cả những câu của Krishnamurti trong bài này đều trích từ:
(1) Tự do đầu tiên và cuối cùng, Phạm Công Thiện dịch (Đồng Nai tái bản 1972)
(2) Krishnamurti của Rom Landau, Nguyễn Minh Tâm và Đào Hữu Nghĩa dịch (An Tiêm 1968)
(3) Krishnamurti Cuộc đời và tư tưởng của Rene Fouere, Võ Văn Quế dịch (Ca Dao 1970)